Rục rịch chuẩn bị từ 5 năm trước, mọi thủ tục pháp lý đã hoàn tất, trụ sở văn phòng đã có, nhưng Trung tâm bản quyền văn học tư nhân đầu tiên của dịch giả Thúy Toàn bây giờ mới tuyển được... 3 nhân viên. Đã vậy, số nhân viên ít ỏi này lại chưa nắm vững pháp luật và am hiểu nghệ thuật.
Dịch giả Thuý Toàn ngao ngán: "Khó có thể nói chính xác thời điểm nào Trung tâm mới ra mắt. Cái khó là các nhà văn Việt Nam chưa quen, thậm chí chưa có khái niệm về việc đăng ký quyền tác giả. Mặt khác, tâm lý dễ dãi khiến cho một số tác giả khi thấy tác phẩm của mình được công bố trái phép đã dễ dàng bỏ qua". Ông Toàn lấy ví dụ: "Năm ngoái, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin in các bản dịch thơ Puskin, Levmontov, Exenin... của tôi mà không một lời xin phép, sách phát hành cũng không gửi biếu. Biết chuyện, tôi gọi điện nhắc thì họ bảo viết thư sang Nhà xuất bản, họ sẽ trả nhuận bút. Nhưng rồi viết mà chẳng thấy hồi âm. Tự dưng mình cũng đâm... ngại. Mà thực tình, tôi chỉ "đánh tiếng" thế thôi, chứ "làm căng" thì... sợ mất bạn bè (vì bạn tôi đang công tác ở Nhà xuất bản này). Bụng bảo dạ đã làm văn, tức là khó sống bằng nghề. Cái nghề "cao quý" thì ai lại mè nheo chuyện... tiền nong!".
"Mặt khác, ngay bản thân Trung tâm ngôn ngữ và văn hoá Đông Tây do tôi làm giám đốc cũng nhiều lần vi phạm bản quyền như: in sách rồi mới xin phép tác giả; trả nhuận bút chậm hoặc... quên mất nhuận bút", dịch giả này thú nhận.
Không chỉ Trung tâm bản quyền tư nhân của dịch giả Thuý Toàn, Trung tâm bản quyền văn học đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, dự kiến ra mắt tháng 12 tới cũng khó thành hiện thực. Ông Cao Tiến Lê, Uỷ viên thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên sáng lập Trung tâm bản quyền, cho biết: "Ý tưởng thành lập Trung tâm đã có từ vài năm trước. Mọi quy chế, điều lệ hoạt động về cơ bản đã hoàn tất. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi vẫn chờ có đủ... 100 nhân lực thì mới làm lễ ra mắt Trung tâm. Mà bao giờ có đủ 100 thành viên thì... chưa biết".
Bên cạnh đó, các trung tâm tác quyền chưa thể thực sự khởi động là bởi thiếu người tâm huyết lo chuyện bản quyền, kinh phí ít ỏi, lại không được sự hỗ trợ của bất kỳ Mạnh Thường Quân nào. Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây là thí dụ. Với số lãi ít ỏi thu được từ việc in ấn các loại sách "khó nhằn" (như Trang Tử, Lão Tử, Goethe, Freud...), Trung tâm đã không thể nuôi nổi... 4 nhân lực lo chuyện bản quyền! Năm ngoái, phòng bản quyền tuyển được 4 người, gồm: 1 phụ trách chính về chuyên môn và 3 phụ tá. Bây giờ người phụ trách chính đã xin nghỉ việc vì... lương quá thấp. 3 người còn lại, do yêu cầu của Trung tâm, hiện phải kiêm nhiệm nhiều việc khác. Và bởi vậy, vấn đề bản quyền cũng không được chăm sóc.
Hoạt động tự phát, điều lệ thể chế, thậm chí quan niệm về bản quyền chưa thống nhất giữa các trung tâm bản quyền và ngay trong nội bộ một trung tâm cũng là nguyên nhân khiến khoảng cách từ ý tưởng đến việc thành lập ngày càng xa xôi. Chẳng hạn, theo ông Cao Tiến Lê, Trung tâm bản quyền văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, khi có đủ 100 thành viên thì chỉ lo tác quyền cho các hội viên Hội nhà, còn việc vi phạm bản quyền đối với các tác giả khác, nếu phát hiện thì cũng... đành làm ngơ vì... không thuộc "phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn" của Trung tâm. Trong khi đó, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, tuy chỉ có... 3 người nhưng lại có tham vọng xử lý vi phạm bản quyền cho tất cả các tác giả, bất kể là thành viên Hội Nhà văn hay không. Hoặc, với Trung tâm bản quyền văn học của Hội Nhà văn thì "phát hiện vi phạm bản quyền mới khó chứ xử lý vi phạm thì rất dễ" (theo lời ông Cao Tiến Lê). Ngược lại, Trung tâm bản quyền của ông Thuý Toàn thì quan niệm việc phát hiện không khó mà cái khó là xử lý vi phạm thế nào vì hiện tại mọi chế tài của Việt Nam chưa cụ thể.
Luật sư Phan Đăng Thanh, cho biết: "Theo quy định của pháp luật, người sử dụng tác phẩm phải có trách nhiệm hỏi ý kiến, ký hợp đồng sử dụng với tác giả. Ngoài trách nhiệm dân sự (bồi thường), người xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính, nếu chiếm đoạt quyền tác giả, công bố phổ biến bất hợp pháp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 131 Bộ luật hình sự. Nhưng trên thực tế, do thái độ "xuê xoa" mà chúng ta không làm đến nơi đến chốn việc xâm phạm bản quyền. Bởi vậy, sự lỏng lẻo về pháp lý cũng sẽ khiến các Trung tâm bản quyền hoạt động khó khăn".
Hiền Hòa