'Các ủy viên trung ương đã dám làm, dám chịu trách nhiệm'
Theo ông Trương Tấn Sang Thường trực Ban Bí thư, nhiệm kỳ qua, các ủy viên trung ương được được đánh giá là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
> 'Tôi có niềm tin khi tự ứng cử vào trung ương Đảng'/ Danh sách bầu trung ương Đảng có số dư ít nhất 15%
Sau phần khai mạc Đại hội sáng 12/1, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa X, ông Trương Tấn Sang đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang. Ảnh: Việt Đông.
Theo đó, khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã kịp điều chỉnh mục tiêu, giải pháp, khắc phục lạm phát và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đưa nước ta vượt qua khó khăn, cơ bản duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng khá và bảo đảm an sinh xã hội.
Tại nhiệm kỳ vừa qua, các Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) được đánh giá là cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đa số các Ủy viên có phong cách làm việc có đổi mới, coi trọng hơn việc phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, bám sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân.
Tuy nhiên sau 5 năm công tác, Ban chấp hành Trung ương thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số Ủy viên trung ương chưa chủ động đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc của đất nước; chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Có người còn thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống.
"Bộ Chính trị có chủ trương giải quyết kịp thời nhiều vấn đề trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông". Ảnh: Việt Đông
Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị khóa X, ông Trương Tấn Sang khẳng định, Bộ Chính trị đã tập trung chỉ đạọ, giải quyết kịp thời những vấn đề lớn của đất nước, kịp thời có chủ trương hoặc kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương có chủ trương, giải pháp xử lý những diễn biến mới của tình hình, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Về quốc phòng, an ninh, Bộ Chính trị đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; quan tâm đầu tư tăng cường tiềm lực, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang.
Bộ Chính trị có chủ trương giải quyết kịp thời nhiều vấn đề trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề đối ngoại nhạy cảm, nhất là trong quan hệ với các nước lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trương Tấn Sang, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục một số mặt hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, một số thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, hiệu quả thấp. Tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách còn lớn, kéo dài nhiều năm. Hoạt động của một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Công tác giám sát trong Đảng vẫn còn lúng túng trong thực hiện nên chất lượng, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời phát hiện sai phạm để khắc phục nên một số cán bộ các cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật (trong đó có cả cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).
Hoàng Khuê