>> Chiêm ngưỡng trang phục bằng vỏ cây độc đáo của người Cơ tu
Ông A Xen tự hào mặc chiếc áo độc đáo, quý hiếm của bộ tộc mình.
Hẳn rằng vào những năm 1975 trở về trước, những người Hà Lăng ở làng Đắk Ôn vẫn “che thân” bằng… vỏ cây. Bởi họ sống trong rừng sâu núi thẳm, tách biệt gần như hoàn toàn với thế giới hiện đại của loài người nên mọi vật dụng, kể cả quần áo che thân cũng được chế từ cây cối.
Những chiếc áo cổ của người Hà Lăng đến nay không chỉ quý vì hiếm mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử một thời của bộ tộc Hà Lăng, nên được người dân gìn giữ như báu vật.
Ông A Xen - trưởng thôn - cho biết, trước đây tất cả những thứ che, đắp như áo, chăn, đều được người Hà Lăng làm bằng vỏ cây. Từ năm 1974, khi cuộc sống văn minh hiện đại “xâm nhập” vào làng, những chiếc áo làm bằng vỏ cây mới dần được thay thế bằng quần áo vải.
“Từ năm 1974 là mọi người ít mặc dần, vài năm trở về trước thì một số người nghèo vẫn mặc loại quần áo này. Bây giờ thì chỉ dùng làm trang phục truyền thống để đi biểu diễn cồng chiêng thôi”, ông A Xen cho biết.
Điều đặc biệt, những chiếc áo làm bằng vỏ cây này đã tồn tại hàng trăm năm mà không hề bị hư mục. Nguyên liệu chính để làm ra nó là vỏ cây, nhưng phải là vỏ cây mít rừng (người địa phương gọi là cây Kơ Pong) có đường kính thân chỉ khoảng 20-30 cm và là loài không có quả.
Sau khi tìm được loại cây này, người ta sẽ chặt cây thành khúc dài từ 1 đến 2 mét (tùy may áo cho người lớn hay trẻ nhỏ), lột vỏ, cạo lớp vỏ bên ngoài, rồi ngâm phần vỏ bên trong xuống nước khoảng 2 tháng liên tục. Sau đó họ vớt vỏ cây lên, dùng chày đập dập, phơi khô trong bóng râm rồi tách thành từng cọng, se thành sợi.
Nguyên liệu thứ 2 là dây La Plâh to bằng ngón chân cái để làm chỉ. Để biến cây La Plâh thành nguyên liệu chỉ cũng rất kỳ công. Cây La Plâh phải được cho vào ống nứa rồi nướng trên bếp lửa cho mềm, sau đó xé thành sợi nhỏ và phơi khô. Khi đã có hai nguyên liệu này, người ta lấy cây le chẻ nhỏ, vót nhọn để làm kim xâu chỉ La Pâh may thành áo.
Mỗi chiếc áo vỏ cây nặng chừng 2kg, khi mặc vào nó không chỉ là vật che ấm cơ thể mà còn là một loại vũ khí phòng thân như áo giáp. “Trước đây khi chiến đấu với bộ tộc khác, người Hà Lăng mình mặc những chiếc áo này vào người thì dao chém vào người sẽ khó đứt, tên bay vào người sẽ khó đâm xuyên”, ông A Xen lý giải.
Theo ông A Xen, bí quyết làm áo bằng vỏ cây này đang dần biến mất. Thế hệ trẻ bây giờ không còn ai biết cách làm áo, những người cao tuổi thì hầu hết đã về với Yàng. Một điều quan trọng nữa là rừng bị tàn phá quá nhiều nên bây giờ tìm nguyên liệu rất khó, vào tận rừng sâu “săn” cả tuần nhưng cũng chưa chắc đã thấy. “Chúng tôi cũng đang tìm cách khôi phục lại cách làm áo nhưng bây giờ tìm được người biết làm để dạy lại khó lắm, vì người Hà Lăng bây giờ đã sống rải rác ở nhiều nơi. Và bây giờ tìm nguyên liệu cũng không phải dễ”, ông A Xen tâm sự.
Điều tự hào nhất của ông A Xen và người Hà Lăng ở thôn Đắk Ôn là hiện tại trong làng vẫn còn giữ được 13 chiếc áo làm bằng vỏ cây, trong đó có những chiếc đã được làm cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn chưa bị mục rách. “Làng mình thường mặc nó vào những ngày lễ mừng lúa mới, đâm trâu hoặc đi biểu diễn cồng chiêng. Nhiều người cũng đến đây hỏi mua áo nhưng mình không bán vì cả làng xem như báu vật, càng hiện đại thì những thứ cổ xưa càng hiếm và những chiếc áo này các dân tộc khác đều không có, chỉ có người Hà Lăng mình có thôi”, ông A Xen tự hào khoe.
Thiên Thư