Xóa bỏ rào cản trong việc trọng dụng người tài

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Xóa bỏ rào cản trong việc trọng dụng người tài

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 17 Tháng 5 2011, 10:10

(Dân trí) - Nhân tài là người có tài năng xuất sắc, thể hiện ở sự hoàn thành xuất sắc công việc, nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực hoạt động, được nhiều đồng nghiệp thừa nhận và tôn vinh…

Vì vậy, việc phát hiện và biết trọng dụng nhân tài có ý nghĩa rất to lớn. Trong Luận ngữ, Khổng Tử viết: “Đạo trị quốc điều cơ bản nhất là trọng dụng nhân tài. Được nhân tài thì được cả thiên hạ”.

Kế thừa truyền thống “Chiêu hiền đãi sỹ”, '”Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, sau hơn hai tháng tuyên bố độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”. Một năm sau, Người lại ra chỉ thị “Tìm người tài đức”, một lần nữa, Người khẳng định “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết, cần phải có nhân tài”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong bài báo “Tìm người tài đức”, đăng trên Báo Cứu quốc năm 1946, Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào Việt Nam chắc không thiếu người có đức có tài. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không xuất hiện. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho chính phủ”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực thi chính sách về nhân tài. Trong việc thực hiện chính sách nhân tài, bên cạnh những thành tựu to lớn, nhất là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, ở không ít nơi vẫn còn tồn tại những “rào cản” đối với nhân tài cần được xóa bỏ.

Một số cấp ủy Đảng và người lãnh đạo quản lý chưa tạo điều kiện cho người tài phát huy tài năng. Thường dùng mọi cách rất tinh vi để trù dập, vô hiệu hóa những người có tài năng thật sự; ngược lại, họ  “trọng dụng”, “tôn vinh” những người kém phẩm chất, kém năng lực hơn nhưng “cùng ê kíp”; tìm thiếu sót nhỏ nhặt của người tài để thổi phồng lên, không bao giờ nhắc đến thành tích của họ; dùng quyền lực, ảnh hưởng của mình buộc những người khác, kể cả cấp trên đánh giá sai lệch người tài;...

Công tác bổ nhiệm cán bộ có trường hợp bị “thương mại hóa” nên bị sai lệch nghiêm trọng. Xuất hiện bọn người lưu manh, mafia hoạt động theo kiểu xã hội đen về chính trị, liên kết ngấm ngầm với nhau rất chặt chẽ tất cả vì lợi ích cá nhân ích kỷ, tìm mọi cách khống chế, bao vây cấp ủy Đảng, những người lãnh đạo quản lý, cán bộ tổ chức ở cơ sở trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, nhằm gạt bỏ những người thực sự có tài đức, và đưa những phần tử cơ hội của chúng vào các vị trí lãnh đạo quản lý.

Bệnh thành tích không chỉ có ở các cơ quan giáo dục. Trong một số cơ quan, địa phương, đơn vị bị bệnh thành tích, những người lãnh đạo, những kẻ to mồm, dùng “cả vú lấp miệng em”, có tài ăn nói, tự đánh bóng bản thân thường được nhiều người để ý, tôn vinh, bỏ phiếu tín nhiệm; ngược lại, những người thực sự có tài, có năng lực và có trình độ thường tận tụy với công việc, tính tự trọng rất cao, không bao giờ tự tô vẽ, “nâng cấp” hình ảnh bản thân trước mọi người nên rất dễ bị hiểu nhầm, đánh giá sai lệch.

Môi trường văn hóa ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương ít nhân tố tích cực, nhiều yếu tố tiêu cực và bất lợi cho người tài như tâm lý đố kỵ, hẹp hòi, mất đoàn kết, tình trạng dân chủ bị lợi dụng, thiếu sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng; những người lãnh đạo quản lý thiếu bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy và tính quyết đoán, cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng có hạn chế về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu;...

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nhưng nguyên khí đó chỉ có thể tích tụ ở một môi trường mà niềm tin của con người luôn luôn hiện diện. (Ảnh: orbits.net)

Để xóa bỏ rào cản trong thực thi chính sách về nhân tài, theo tôi suy nghĩ, chúng ta cần lưu ý một số giải pháp cơ bản sau:

1. Đảng, Nhà nước và các đoàn thể tiếp tục khẳng định, bổ sung, đổi mới chính sách, tiến tới xây dựng đạo luật về nhân tài, về công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Các cơ quan, địa phương, đơn vị coi trọng việc quán triệt, cụ thể hóa, thực thi có hiệu quả chính sách về nhân tài, luật cán bộ, công chức.

2. Các cơ quan, địa phương, đơn vị cần phát hiện chính xác, công tâm, khách quan người tài, người có năng khiếu (dấu hiệu của tài năng), trình báo lên cấp trên để có giải pháp sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, tránh để lãng phí hoặc thui chột.

 

Thực hành dân chủ trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng trên nền tảng học thuyết Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào có biểu hiện mất đoàn kết, đố kỵ, hẹp hòi, môi trường văn hóa yếu kém, phức tạp, cấp ủy Đảng và những người lãnh đạo quản lý hạn chế trong việc lãnh đạo công tác cán bộ thì cấp ủy và lãnh đạo cấp trên cần phải khẩn trương xem xét, quyết định.

3. Tăng cường công tác tư tưởng chính trị, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong các cơ quan, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao ý thức, tình cảm, tâm lý tôn vinh, trọng dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện để người tài phát huy ảnh hưởng, nhân rộng, lan truyền tâm lý tích cực trong các cộng đồng dân cư; đấu tranh không khoan nhượng với những nhân tố tiêu cực, cản trở.

4. Xây dựng một xã hội học tập (thực học và tự học); nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện để trở thành tài năng của mỗi người và mọi người. Mỗi người khi đã trở thành tài năng, cần phải nêu cao lòng yêu nước thương dân, ý thức trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu trở thành con người chân chính theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình, dũng cảm, quyết đoán bảo vệ mình và những người có đức có tài.

                                                                               

                                                                      TS. Nguyễn Liên Châu

                                                                                    ts.lienchau@gmail.com

 

LTS Dân trí - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc phát hiện và trọng dụng người tài. Nhờ vậy, những trí thức tiêu biểu của đất nước lúc bấy giờ dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều một lòng đóng góp hết sức mình vào công cuộc giải phóng và kiến thiết nước nhà.

Bài học trọng dụng nhân tài ngày ấy cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự, nhất là sắp đến Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Những điều bất cập trong việc thực hiện chính sách cán bộ cũng như sử dụng người tài đã được nêu lên trong bài viết trên đây. Đấy là những hiện tượng có thật ở không ít địa phương.

 

Mong rằng các cấp ủy Đảng cũng như các cấp Chính quyền quan tâm và có biện pháp kiên quyết khắc phục. Trước mắt, cần tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo nhằm thật sự phát huy dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lần này để nhân dân chọn đúng những người đủ tài đức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc trong giai đoạn mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến30 khách