“Ngày hội di sản” là cơ hội để mọi người thỏa thích thăm thú các công trình kiến trúc, văn hóa mà ngày thường không được phép vào vì tính chất công việc, mỗi năm 4 ngày, vào tuần thứ 3 của tháng 9: Cung điện, nhà máy, tòa thị chính đến phòng tắm hơi, nhà thờ hay chùa chiền. Đó là cơ hội duy nhất để khám phá những kho tàng kiến trúc bị đóng cửa im ỉm quanh năm. Quốc Định (du học sinh trao đổi ở The Hague) đã tranh thủ đăng ký tham quan Tòa án Tội ác Quốc tế trong dịp này, bởi ngày thường, đây là nơi “không phận sự, miễn vào”.
Khúc biến tấu của “Ngày cửa mở”
Chính là… đêm-cửa-mở. Tiếp nối thành công của “Ngày hội di sản”, các nước châu âu lại bắt tay nhau tổ chức “Đêm của các bảo tàng” với sự tham gia của 3.728 bảo tàng trong năm nay (trong đó 97% các bảo tàng đón khách hoàn toàn miễn phí). Như tên gọi, khách tham quan sẽ được rộng cửa đón chào vào một buổi tối tháng 5, duy nhất trong năm. Cùng các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, các bảo tàng sẽ càng trở nên lộng lẫy hơn vào buổi tối đêm Hè đó.
Ngày 11/9, có dịp ghé thăm thành phố Leiden (Hà Lan), tôi và hai người bạn Việt đã vô cùng ngạc nhiên vì không khí lễ hội của ngày hội cửa-mở ở các công trình lịch sử nơi đây. Từ mục đích tham quan thành phố, tụi tôi đã chuyển hướng thành thăm các địa điểm mở cửa miễn phí để tận dụng ngày vui hiếm có.
Thích nhất là bên trong các công trình luôn có người chờ sẵn để hướng dẫn và những nơi tụi tôi có dịp ghé thăm toàn là những tòa nhà vốn ngày thường cửa đóng then cài. Ba đứa tụi tôi đã có cơ hội vào tận hội trường của De Universiteit Leiden (trường đại học đầu tiên ở Hà Lan, ngôi trường mà nữ hoàng Beatrix đã từng học) và các tư gia cổ.
Hãy mở cánh cửa gần bạn nhất
Sinh viên châu âu rất quen thuộc với ngày cửa mở ở các trường đại học. Viện ĐH Công nghệ Besancon (Pháp) luôn tổ chức JPO “Journée Porte-Ouverte” vào học kì II hằng năm để phổ biến thông tin, giải đáp thắc mắc về trường cho các sinh viên, phụ huynh “tiềm năng”. Xuyên suốt cả JPO là những hoạt động nối tiếp: Trò chuyện tiếp xúc các thầy cô dạy các chuyên ngành chính ở trường, tham quan cơ sở hạ tầng của nhà trường, giao lưu với sinh viên, gặp gỡ Ban Giám hiệu. Cả ngôi trường ngày hôm đó tấp nập người ra kẻ vào, tình nguyện viên toàn là sinh viên trong trường. Cô Simonot kể, vào kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ, sinh viên trường đã bí mật tổ chức hoạt động “ăn theo” JPO, thâu đêm. Đến 3h sáng, cả hội trường vẫn còn ầm ĩ tiếng mọi người chúc tụng gián tiếp Tổng thống Obama qua màn hình máy chiếu. Sinh viên trao đổi đến từ Mỹ năm đó hẳn đã có một kỷ niệm nhớ đời.
Vì rất nhiều những niềm vui nhỏ mà không nhỏ kể trên, những học sinh cuối cấp người Pháp thường có xu hướng lên lịch đến dự JPO ở các đại học khác nhau, đóng tại nhiều thành phố khác nhau, trước khi quyết định đăng ký vào trường hay không. Bảo Yến (du học sinh trường Sorbonne 1) chia sẻ: “Khi đến JPO ở tận trường, bạn sẽ được chính sinh viên của trường hướng dẫn tận tình, dẫn đi tham quan từ phòng học tới phòng lab, chứ không chỉ tiếp xúc thông tin một chiều như ở các buổi hội thảo bên Việt Nam mình. Mình đã được các anh chị sinh viên cho hẳn CV và thư xin vào trường khi hỏi họ kinh nghiệm”.
Ý tưởng của “Ngày hội di sản châu âu ” khởi phát bởi cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang, vào năm 1984 với tên gọi “Ngày mở cửa các di tích lịch sử”. Sau này, nó đã được Liên minh châu âu phát triển, đổi tên thành “Ngày hội di sản” và mức độ phủ sóng đã lan khắp các châu âu, xa hơn là sang tận các nước Bắc Mỹ.