Lo “tuyệt tự” khoa học vì nạn giả dối còn phổ biến

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Lo “tuyệt tự” khoa học vì nạn giả dối còn phổ biến

Gửi bàigửi bởi Zelda » 27 Tháng 12 2011, 14:02

(Dân trí) - “Tôi là một giảng viên của Học viện B. vì phải đi giảng tại chức và bị ốm nên không thể hoàn thành đề tài khoa học được (Đề tài cấp trường). Đến ngày nộp, vẫn có người lo “nộp” giúp, nếu tôi đồng ý” - Nguyễn Phương chia sẻ.
 >>  Buông lỏng quản lý làm hư nhiều “nhà khoa học”
 >>  Đẩy lùi nguy cơ “tuyệt tự” của khoa học

Đấy là cô bạn phụ trách đề tài khoa học của Khoa gọi điện bảo: “Chị ơi em cắt, dán cho chị để nộp cho đúng hạn nhé”!Tất nhiên là tôi không đồng ý, nhưng nói lại chuyện này để mọi người hiểu cung cách “nghiên cứu khoa học của các trường, học viện thời nay”.

 

Bạn đọc Phạm Bình Minh:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

cứu KH là để tạo ra của cải vật chất làm giàu cho xã hội. Nó chính là ngành lao động trí óc, lao động với hàm lượng chất xám cao. Nghiên cứu KH đòi hỏi người làm nghiên cứu phải kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, sáng tạo, đam mê....và thậm chí còn làm việc ngày đêm trong phòng thí nghiệm. Cuộc cạnh tranh ở lĩnh vực KHCN là một cuộc chiến khốc liệt không khoan nhượng.

 

Ở nước ngoài, họ vô cùng coi trọng lĩnh vực nghiên cứu KHCN; những ai làm nghiên cứu, quản lý khoa học mà không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị “trảm” lập tức và chuyển sang làm công việc khác. Tính cạnh tranh giữa các nhóm nghiên cứu, giữa những người làm nghiên cứu rất cao. Ở nước ngoài việc sao chép, copy công trình nghiên cứu của người khác là việc làm tối kị, bị xử phạt rất nặng. Những người làm nghiên cứu dù già hay trẻ đều bình đẳng được tự do đóng góp ý kiến, ý tưởng...

 

Còn ở ta thì sao? Rất nhiều người làm nghiên cứu khoa học rất lười nghiên cứu, hời hợt. Làm nghiên cứu lẽ ra phải bất kể thời gian nào thì ở ta chỉ làm khoa học theo giờ hành chính. Thậm chí đi muộn về sớm, bỏ bê nghiên cứu, ra ngoài làm thêm vì lý do lương không đủ sống...Còn phổ biến tình trạng làm đề tài  không nghiêm túc, không trung thực. Thực trạng đáng buồn này xuất phát từ cơ chế, từ quản lý yếu kém trong lĩnh vực KHCN.
 

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Bạn đọc Trần Anh Đức:

Xin hãy công khai chất lượng các công trình nghiên cứu KH. Muốn chấn hưng ngành nghiên cứu KH hãy bắt đầu từ chất lượng các công trình nghiên cứu KH. Trước đây tôi đã từng tham gia phản biện đề tài KH công trình nghiên cứu quá bôi bác: Số liệu làm giả, sao chép bản thiết kế của nước ngoài sau đó “biên tập lại” để biến thành của mình, sau đó thuê một cơ sở gia công bản mạch điện tử ở Hà Nội rồi lắp ráp linh kiện...thế là trở thành đề tài KH.

 

Tôi phản đối gay gắt đề tài này, kinh phí thực hiện bị buộc phải trả lại nhà nước. Thế là từ đó trở đi tôi không còn được mời tham gia nghiệm thu đề tài nữa. Sau đó vì sức ép tôi phải xin ra khỏi ngành. Môi trường nghiên cứu KH quá tiêu cực bảo sao KH nước nhà không phát triển được và bảo sao các bạn sinh viên lại không hứng thú với việc nghiên cứu KH. Cũng xin nói thêm có vị quan chức cấp cao ở Bộ KHCN nhắn xuống rằng "các bác ở dưới đừng đấu đá nhau nữa. Nên im lặng, vậy mới xin được tiền làm đề tài sau loạt bài mà báo Dân trí viết về KHCN vừa qua mà tôi tình cờ nghe được.

 

Trực tiếp tham gia phân luồng giao thông có phải là nhiệm vụ của cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện KHCN-GTVT ?

 

Bạn đọc ND:

Chúng em hiện đang là sinh viên năm cuối của một trường ĐH kĩ thuật ở HN. Học theo chương trình liên kết với một Viện nghiên cứu. Do vậy chúng em có nhiều dịp vào Viện như tham gia làm một số đề tài nhỏ và làm khóa luận tốt nghiệp. Những gì hiển hiện ra trước mắt chúng em về hoạt động nghiên cứu KH ở đây thực sự rất đáng buồn. Các cán bộ KH ở đây làm việc vô cùng hời hợt, bỏ bê công việc rất nhiều... Đến nỗi chúng em biết cả cái cách mà người ta rút ruột tiền đề tài và tỉ lệ ăn chia tiền đề tài (các sếp là 10-15% kinh phí đề tài).

 

Tìm hiểu thêm thì thấy rằng cơ chế đặt ra yêu cầu là các đề nghiên cứu phải nghiên cứu ra các sản phẩm (nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị...). Đó là một yêu cầu quá cao. Trình độ các nhà KH nước ta chưa đạt tới mức đó và thực tế đã chứng minh rằng cơ chế này đã thất bại thảm hại. Nhưng tại sao cơ chế vẫn không thay đổi, vẫn ì ạch vậy??? Tuy nhiên để tăng thu nhập và có kinh phí để hoạt động thì người ta vẫn đăng kí thực hiện. Và đề tài càng hoành tráng càng xin được nhiêu tiền. Do không khả thi, do yêu cầu đặt ra quá sức nên sinh ra chán nản, lười nghiên cứu. Và để có sản phẩm nghiệm thu họ đã làm giả, làm láo, copy cái của nước ngoài để biến thành của mình, mua linh kiện copy bản thiết kế trên mạng lắp ráp lại để thành sản phẩm nghiên cứu...Điều đó giải thích tại sao hàng năm có rất nhiều đề tài được thực hiện với kinh phí rất lớn nhưng lại hầu như không có bằng phát minh sáng chế  nào, không có các công trình KH mới mẻ có giá trị KH nào....

 

Nhìn vào thực trạng nghiên cứu KHCN ở một số nơi hiện nay chúng em rất buồn. Chúng em mong muốn có một môi trường nghiên cứu KH thật trung thực, làm việc hết mình và được tự do sáng tạo. Nhưng với tình trạng làm giả, làm láo thì lấy đâu ra trung thực, lấy đâu ra phát minh sáng chế...và đương nhiên làm gì có khoa học (đúng nghĩa).

 

Chúng em mong muốn có một môi trường nghiên cứu KH thật sự để phát triển tài năng... Chúng em không muốn phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài, làm những việc gia công lắp ráp thiết bị giản đơn không để lại hàm lượng chất xám trong sản phẩm. Quan sát những thành tựu KHCN tuyệt vời của Hàn Quốc, Nhật Bản chúng em thấy vô cùng sốt ruột và cảm thấy bị tổn thương nhưng với tình trạng hiện nay chúng em chẳng thể làm được gì. Nhưng chúng em có niềm tin rằng một ngày gần đây ngành KHCN thực sự thay đổi “cơ bản và toàn diện” để tạo ra niềm đam mê nghiên cứu KH trong giới sinh viên.

 

Hy vọng những ước mong chính đáng của chúng em đến được với cơ quan chức năng và sớm trở thành hiện thực. Chúng em tự tin nói rằng chúng em là người năng động, sáng tạo, đam mê KHCN. Cái chúng em thiếu đó là chính sách thu hút người tài ( như nước Mỹ), môi trường làm nghiên cứu KH trang thiết bị, phòng thí nghiệm. 

 

Bạn đọc Mai Bảo Hân:

Những bất cẩn trong nghiên cứu KH & CN không phải mọi người không thấy, nhưng vấn đề là tháo gỡ tình trạng đó bằng cách nào? Áp lực phải cho ra sản phẩm, nhưng có ai đặt câu hỏi sản phẩm đó làm ra để làm gì?

 

Hàng tỷ đồng nghiên cứu để làm ra các sản phẩm đắp chiếu, chẳng đưa được vào thị trường và cũng không có đất để dùng. Nguyên nhân là những nghiên cứu đó không xuất phát từ yêu cầu thực tế của xã hội. Ở các nước khác trên thế giới, những nghiên cứu ra sản phẩm công nghệ được các hãng trả tiền, thậm chí làm tốt còn được thưởng rất nhiều. Các nước này chỉ hỗ trợ nghiên cứu về khoa học cơ bản, về mảng phát triển lý thuyết trong khoa học công nghệ, vì những nghiên cứu đó không những mang lại uy tín về khoa học cho một quốc gia, mà còn tạo nền móng cho việc phát triển những công nghệ mới. Những nhà khoa học có các bài báo đăng ở các tạp chí có uy tín trên thế giới cũng nên được tôn vinh như những vận động viên mang lại huy chương cho Tổ Quốc. Thật ra, các nhà khoa học công nghệ trẻ trong nước họ chỉ mong ước có một quĩ hỗ trợ để họ thực hiện ước mơ và hoài bão trong khoa học mà thôi. Đáng tiếc là các nghiên cứu về khoa học công nghệ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết này.

 

Bạn đọc Anh Tài:

Có phòng nghiên cứu vẻn vẹn 4 người nhưng xin được 3 đề tài liên tiếp cấp Bộ. Đề tài 2009-2011 kinh phí hơn 800 triệu. Đề tài 2010- 2012 kinh phí hơn 900 triệu có nghĩa là năm nay ( 2011) đã giải ngân được hết 800 triệu tiền đề tài 2009-2011 và trên dưới 500 triệu của tiền đề tài 2010-2012. Tất nhiên con số đó chỉ là trên danh nghĩa còn đã bị rút ruột ngay từ chỗ giải ngân. Dù sao kinh phí cũng còn rất lớn sao họ lại không làm việc có hiệu quả?

 

Bạn đọc Bùi Văn Chiến:

Các vị làm khoa học hay quản lý của nhà ta lúc nào cũng nói đi tắt đón đầu mà chẳng có cơ sở nào cả. Thử hỏi có bao nhiêu vị làm khoa học ở nước ta có công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí như Nature, Science, Cell, hay Chem. Rev...? Chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể các trường hay Viện có mấy nơi đăng ký mua bài trên các tạp chí này mà đòi biết thế giới họ đã và đang làm những gì có giá trị khoa học. Thực trạng là nhà nước đầu tư tiền quá ít và quá không đúng chỗ. Những người tài về nước không được trả công xứng đáng lại chạy ra nước ngoài gần hết, những người dở tài thì quay về cũng phải chạy theo cơm áo gạo tiền, những người dở dở ương ương thì an phận thủ thường làm việc cuối tháng hưởng lương và kêu đói; còn nhiều người trình độ chẳng ra gì nhưng có địa vị, ô dù và lắm mưu mẹo thì giàu sang và chẳng đóng góp gì cho sự tiến bộ của đất nước, thậm chí còn phá hoại, vùi dập nhân tài.

 

Thế giới người ta bỏ ra hàng trăm nghìn USD cho 1 bài báo khoa học ở tầm quốc tế, thử hỏi Việt Nam bỏ ra bao nhiêu để có được 1 bài báo như vậy? Các vị lãnh đạo không chú tâm phát triển khoa học thì muôn thuở đất nước không thể giàu được, lúc nào cũng phải lệ thuộc nước ngoài mà thôi. Hãy học ngay Trung Quốc thôi, không phải học đâu xa, xem họ đối đãi với nhân tài ra sao.

 

Ngẫm lại mình, thử hỏi tiến sĩ tốt nghiệp trong nước có mấy người có khả năng viết được một bài báo khoa học tầm cỡ quốc tế? Không có khả năng đó thì sao đủ tư cách cầm cái bằng tiến sĩ. Tiến sĩ (dành cho những TS không phải là rởm, xem lý lịch khoa học biết ngay rởm hay không) chỉ hơn Thạc sĩ có 1 bậc lương trong khi đó họ là những người có khả năng làm việc, nghiên cứu độc lập còn thạc sĩ thì không làm được điều đó, hơn nữa thạc sĩ chỉ mất 1hoặc 2 năm mà TS thì ít nhất là 3 năm, có khi kéo dài tới cả 10 năm. Có quá nhiều bất cập. Thật đáng lo cho nền khoa học nước nhà.

 

Bạn đọc Phạm Văn Bình:

Trong bóng đá, mỗi khi đội tuyến quốc gia thi đấu lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân lại trỗi dậy. Thế mà ở lĩnh vực KHCN của nước ta lại thua thiệt quá xa so với ngay cả những nước trong khu vực ( xin hãy nhìn vào ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta so với các nước khác thì thấy ). Mà tại sao lại ít được quan tâm như vậy? Nó còn quan trọng hơn gấp nhiền lần so với bóng đá vì nó sẽ tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, làm chất lượng cuộc sống nâng lên, vậy mà lại ít được quan tâm. Với những ai có lòng tự tôn dân tộc và biết quý trọng KHCN thực sự rất buồn và sốt ruột.

 

 

LTS Dân trí-Bản chất của khoa học là luôn phản ảnh đúng chân lý khách quan. Đã giả dối trong quá trình nghiên cứu cũng như kết quả nghiên cứu thì đấy không còn là khoa học.

 

Rất đáng tiếc là nhiều đề tài khoa học hiện nay còn thể hiện sự giả dối như đông đảo bạn đọc đóng góp ý kiến, cho nên đây cũng là nguyên nhân quan trọng của nỗi lo khoa học sẽ “tuyệt tự” nếu như không kiên quyết chấm dứt tình trạng giả dối đó.

 

Muốn vậy, trước hết cần chống sự buông lỏng trong công tác quản lý khoa học, nhất là trong các khâu xét duyệt cũng như nghiệm thu đề tài cần thực hiện thật sự nghiêm túc.

 

Mặt khác, những cán bộ quản lý khoa học cũng như những người trực tiếp làm đề tài cần nêu cao ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của người trí thức. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng “thông đồng rút ruột”  kinh phí đề tài để chi dùng vào những mục đích mờ ám, tiếp tay cho những hành động tham nhũng trong khoa học.   

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến166 khách