(Dân trí) - Dù trời lạnh dưới 10 độ C, sáng nay, mùng 10 tết, đông đảo người dân vùng núi Sa Pa (Lào Cai) đã nô nức xuống đồng mở hội. Rất đông khách du lịch cũng náo nức cùng nhau tham dự lễ hội bên suối Mường Hoa dưới chân đỉnh Phan Si Păng.
Đường cày năm mới trong ngày hội xuống đồng.
Hội xuống đồng theo tiếng Ráy là Roóng Poọc. Theo tục lệ từ xa xưa, cứ vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm bà con các dân tộc Mông, Dao, Dáy sinh sống ở bên dòng suối Mường Hoa phía hạ huyện Sa Pa lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Du khách châu Âu thích thú cưỡi trâu trong ngày dự hội.
Đây là lễ hội xuân truyền thống của bà con dân bản địa phương tổ chức từ hàng trăm năm nay, có những nét khá tương đồng với ngày hội xuống đồng đầu xuân mới của đồng bào vùng núi trung du phía Bắc Việt Nam.
Cùng vui trò chơi bịt mắt bắt dê.
Nhà nghiên cứu dân tộc Sần A Cháng, người dân tộc Dáy ở Tả Van ( Sa Pa) - nguyên giám đốc sở Văn hóa – thể thao – du lịch tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Roóng Poọc là lễ hội dân tộc truyền thống của người Dáy ở xã Tả Van nhưng lâu nay đã trở thành lễ hội chung của cả vùng hạ huyện Sa Pa.
Bà con các dân tộc địa phương múa hát mừng ngày hội.
Đây là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất, độc đáo nhất tỉnh Lào Cai diễn ra vào đầu xuân và được du khách ngoài nước tới dự hội rất đông.
Đông vui ngày hội xuống đồng Tả Van – Hầu Thào – Sử Pán.
Cũng như một số lễ hội dân gian khác ở tỉnh Lào Cai tổ chức đầu xuân như lễ hội Gầu Tào của người dân tộc Mông, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội hát giao duyên của người Dao đỏ, lễ hội Roóng Poọc của người Dáy cũng là sản phẩm du lịch độc đáo cần được bảo tồn, phát huy.
Phạm Ngọc Triển
Sưu tầm từ dantri