Thế là, theo từng bậc cấp của giàn giáo sắt, chúng tôi leo lên gần mái đền. Một nhóm 3 người thợ đang chậm rãi bóc gỡ từng lớp rêu, đánh bóng nhẹ bằng giấy nhám ở các cột đá, dùng penxo phủi bụi các hốc, kẻ hở và tô xi măng, vôi vữa đặc biệt đúng như chất liệu xi măng, vôi vữa lúc xưa các cha ông làm nên đền Tối Linh Từ.
Anh Hóa, người làm ở đây nói với chúng tôi: “Việc trùng tu rất gian nan. Đầu tiên, dự án đến đánh giá toàn bộ khu đền, sau đó đem mẫu xi măng, vôi, sành sứ về phòng thí nghiệm nước ngoài để phân tích chất liệu và tỷ lệ. Các mảng sành rơi vãi xung quanh đền phải nhặt lên toàn bộ để đảm bảo không sót một vật gì từ thời xưa. Nếu không thấy thì mới tính đến phương án thay mới cho di tích nhưng vẫn đúng với nguyên trạng cũ. Chất liệu như xi măng, vôi vữa hay màu mà chúng tôi đang phục nguyên lại cho đền, tất cả giống hệt 100% lúc xưa. Làm công việc với người nước ngoài rất thú vị và nghiêm túc, cho tôi nhìn nhận cao hơn về cách trùng tu nguyên bản 1 di tích là như thế nào”.
Tại triển lãm đầy độc đáo này, như theo giới thiệu của brochure thì “Triển lãm dấu tích và kỳ quan là hành trình đi tìm dấu vết của các biểu tượng và hóa giải bí ẩn của chúng”. Sau khi xem qua ngôi đền với nhiều chi tiết đang được trùng tu, chúng tôi mới hiểu ý sâu xa mà dự án này muốn nói tới chính là việc nhìn vào một biểu tượng như rồng, phượng - nó thuộc về xa xưa nhưng qua thời gian đã bị hư hại. Chính bàn tay con người với sự tỉ mỉ, trân quý giá trị văn hóa cha ông sẽ phục nguyên lại hiện trạng biểu tượng đó. Bí ẩn của biểu tượng chính nhờ sự khai phá, giúp sức của chúng ta mới hiện lên được hình dáng như bang đầu. Đó chính là công lớn của chúng ta khi đã tìm ra dấu vết nguyên gốc của biểu tượng qua quá trình trùng tu đầy công phu.
Phải đến một thời gian lâu nữa thì dự án mới hoàn thành, tuy nhiên trong 9 ngày diễn ra Festival Huế 2012, khu vực triển lãm đầy độc đáo này cho phép du khách vào xem những gì đang thực hiện về trùng tu nguyên gốc di tích xưa. Điều này khác với nhiều cách trùng tu “mất gốc”, sai lệch về hiện trạng gốc như đã từng xảy ra trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam thời gian qua, làm cho dư luận lên tiếng phản ứng dữ dội về cách tiếp thu văn hóa cha ông từ chính người Việt.
Tại Huế, cũng chính dự án này đã trùng tu thành công hệ thống tranh tường độc đáo tại Cung An Định năm 2010 với việc bóc tách nhiều lớp vôi che phủ tranh tường, sau đó là dùng màu y hệt lúc xưa để vẽ lại tranh giống đến 100%. Chính vì sự trân trọng của văn hóa Việt Nam đến vậy nên mỗi khi các dự án như GCREP thực hiện trùng tu công trình Huế, giới báo chí và các nhà văn hóa cảm thấy rất yên tâm về độ chính xác mà họ mang lại cho di tích. Đây là một điều cần nhân rộng trong cả nước, bởi vì nếu trùng tu mà sai lệch hiện trạng ban đầu thì di tích xưa đã biến thành một di tích khác chứ không phải là nó.
Dưới đây là những hình ảnh về quá trình trùng tu và một số biểu tượng đã được trùng tu cơ bản trên 50% tại đền Tối Linh Từ ở triển lãm:
Ngôi đền đang trùng tu là triển lãm, cho phép mọi người và tham quan. Tuy nhiên, khi vào thì phải mạo hiểm vì như bảng đề thông báo của triển lãm là "Khi vào, bạn hãy tự đề phòng rủi ro!"
Phối hợp nhóm làm ở độ cao chênh vênh
Sau một thời gian trùng tu nghiêm ngặt, phần dưới của ngôi đền đã xong quá trình bóc tách các lớp bẩn ban đầu
2 hoa sen đã được trùng tu gần nguyên vẹn
Họa tiết dơi đeo khánh
Án thờ bên trái phía dưới đền
Chim phượng đứng lên mai rùa
Áng thờ chính đã được bóc tách toàn bộ, chỉ chờ phần tô màu, đắp sành là xong
Mảng trang trí con dơi to ngậm tiền trên cạnh mái
Ô hộc hoa, chim
Mảng tường
Một mảng rìa mái cơ bản hoàn thành việc tô vôi trắng. Ngôi đền Tối Linh Từ đang trong quá trình phục nguyên dưới kỹ thuật của nước ngoài, nhằm cho di tích có được tình trạng tốt nhất như ban đầu
Đại Dương