Nhọc nhằn ý tưởng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 14 anh chị em, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Thắng đã có tính tự lập trong cuộc sống cũng như việc học hành. Thời đó, ngoài việc học, cậu học sinh Đặng Thắng còn có một niềm đam mê chơi cờ tướng kỳ lạ, nhiều khi quên cả việc học. Cũng chính từ đam mê đó, Thắng tự thắc mắc với mình những câu hỏi mà mới nghe qua, ai cũng nghĩ khó mà tìm được đáp án. "Sao không có một môn cờ của Việt Nam?, "Tại sao tướng không xung trận?", "Tại sao hoàng hậu lại phải ra chiến trường?, "Phạm vi hoạt động của tướng sao lại hạn chế hơn xe, pháo, mã?"...
Từ đó, cậu học sinh ở vùng quê miệt dừa Hoài Nhơn kiên nhẫn đi tìm lời giải cho những câu hỏi mà mình tự đặt ra. Thắng kể: "Hồi đó, bạn bè cùng lớp THPT cứ nghĩ tôi chỉ tốn thời gian vô ích về ý tưởng quá xa vời. Nhưng sau một thời gian dài mày mò, tôi đã tìm ra những tia hy vọng đầu tiên hình thành nên một môn cờ mới". Ban đầu, anh chàng có vóc dáng cao cao, nước da sạm đen phát hiện số đường kẻ trên bàn cờ tướng bằng với 9 đường kinh tuyến trên bản đồ thế giới.
Từ bàn cờ độc đáo này, Thắng lấy đường vĩ tuyến làm ranh giới như bàn cờ tướng, đồng thời dùng phép đối xứng để vẽ ra kinh thành nơi vua ngự trị (6 ô gạch chéo trên bàn cờ, ảnh), điều binh khiển tướng ra trận. Cờ Đặng Thắng là sự kết hợp giữa cờ vua và cờ tướng nên những quân cờ có cả vua, hoàng hậu, quân sĩ, tỳ thiếp (quân tịnh ở cờ tướng), chẳng khác gì đế chế của một đất nước phong kiến thời xưa. Cặp quân mã, xe, pháo, tịnh được Thắng tách đôi, một nửa ra trận dưới sự chỉ huy của tướng, một nửa ở lại để bảo vệ kinh thành. Tuy nhiên, ý tưởng bỗng chốc đi vào "ngõ cụt" vì điều khó nhất là việc tìm vị trí cho các quân cờ và đặc biệt là sự lô-gic trong cách chơi. Chính điều đó đã làm cho chàng kỹ sư này nhiều lần muốn từ bỏ niềm đam mê...
"Hết cơm hết gạo" vì... cờ!
Cờ Đặng Thắng
Tưởng chừng ý tưởng mang theo từ quê nhà sẽ đi vào quên lãng khi trước mặt Thắng còn vô khối chuyện phải làm như học hành và kiếm sống để hỗ trợ việc học. Tuy nhiên, suốt 4 năm học trường Trung cấp Bưu chính Viễn thông Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Thắng vẫn tiếp tục ngốn thời gian cho việc tìm ra vị trí thích hợp và cách chơi cho cờ. Cuối cùng vào năm 2001, những công sức mà anh chàng này dành cho những quân cờ cũng mang lại kết quả khi một môn cờ mới dần dần hoàn thiện. Tháng 11.2006, sau một thời gian kiểm nghiệm, Cục Bản quyền Tác giả văn học - nghệ thuật đã cấp quyền tác giả cho môn cờ Đặng Thắng. Sau đó, Thắng lại móc hầu bao để đăng ký học Corel Draw để làm chương trình cờ Đặng Thắng trên máy tính cũng như mất dứt 500.000 đồng để nuôi trang web của cờ.
Chưa thỏa mãn khi được chứng nhận quyền tác giả, ngoài giờ làm việc, Đặng Thắng lại hóa thân thành một nhân viên tiếp thị đi quảng cáo cho chính môn cờ mà mình sáng tạo. Thắng bỏ tiền túi in cả mấy xấp tờ rơi. Tới đâu, anh cũng ngồi nói say mê về những ưu điểm của môn cờ, thi thoảng còn bị đuổi vì gặp nhầm người... "mù" cờ. Song song với việc tiếp thị, Thắng còn vay mượn mấy triệu đồng để thuê mặt bằng mở một quán cà phê chuyên chơi cờ và thu hút rất nhiều cao thủ cờ của Bình Định. Tiền bán cà phê, Thắng chi ra để tổ chức nhiều buổi thi đấu cờ tướng ngay tại quán cà phê mỗi tháng. Giải thưởng dù nhỏ nhưng lại thu hút rất nhiều dân "ghiền" cờ đến tham gia. Sẵn dịp, Thắng giới thiệu luôn loại cờ mà mình vừa sáng tạo và mọi người ai cũng cảm thấy rất thú vị khi được chơi cờ Đặng Thắng. Anh Minh Trưng - kiện tướng quốc gia cờ tướng năm 1996, cho biết: "Thắng đã sáng tạo ra một loại cờ rất độc đáo, nó có cách chơi linh hoạt, tấn công nhanh, phòng thủ khá bài bản. Đặc biệt là khi thi đấu, người chơi có cảm giác như đang trong một trận đánh giữa 2 nước phong kiến. Cờ Đặng Thắng cần được nghiên cứu thêm để trở thành một môn cờ của riêng người Việt Nam".
Cách chơi cờ Đặng Thắng: Vua, quân sĩ, quân tịnh có nước đi giống cờ tướng và giới hạn trong kinh thành; quân tốt, mã, pháo, xe giống như cờ tướng; quân hậu sẽ đi như quân tịnh ở cờ tướng nhưng chỉ đi tối đa 4 ô và không vượt qua ranh giới ở giữa bàn cờ... Trong 6 ô gạch chéo trên bàn cờ, tướng đứng giữa 2 quân sĩ và một quân tịnh và hậu.
Điểm yếu nhất và cũng là mạnh nhất của cờ Đặng Thắng chính là 2 đầu chóp của bàn cờ. Nếu tướng, xe, pháo đứng ở vị trí này thì sẽ tạo ra thế phòng thủ rất chặt vì có thể giữ được rất nhiều quân trên bàn cờ. Tuy nhiên, nếu để đối phương tiến đến vị trí này thì khả năng chiếu bí rất cao. Ngoài ra, nếu để đối phương tiến vào kinh thành, coi như ván cờ kết thúc...