TTCN - Đọc những lời tâm huyết của giáo sư Ngô Gia Hy, một người suốt đời cống hiến sự nghiệp cho khoa học, gửi đến giới trẻ chúng tôi, tôi đã dừng lại rất lâu. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ nhiều nhất ở “cái tội” thứ ba mà người trẻ dễ mắc phải trên con đường khoa học: thiếu tư duy sáng tạo, không biết phân biệt phải trái, không biết bất mãn với những gì đã học để tìm tòi cái mới.
Thụ động, ngừng ở chữ nghĩa chỉ là thi cho đậu, không phải tiến vào khoa học. Thông tin, chữ nghĩa chỉ để tham khảo, phải vượt lên trên may ra mới tìm thấy sự thật.
Tôi cho rằng đây chính là vấn đề mà rất nhiều SVHS, những người làm khoa học tương lai, đang gặp phải. Phương pháp học tập mang nặng tính sao chép, thiếu tư duy về những cái mới đã và đang dần dần làm thui chột khả năng sáng tạo vốn rất dồi dào ở những người trẻ tuổi. Tuy nhiên những căn nguyên dẫn đến “cái tội” thứ ba này không chỉ đến từ phía HSSV mà thiết nghĩ một phần quan trọng phụ thuộc vào những người có trách nhiệm tạo ra môi trường học tập cho chúng tôi.
Ngay từ thời học phổ thông, ở những lớp đầu cấp HS đã quá quen với kiểu về nhà phải “gạo” thuộc bài chép để hôm sau lên lớp trả bài, đọc càng giống những gì thầy cô giáo cho chép thì càng nhiều điểm, mà điểm lại là tiêu chí đánh giá quá quan trọng nếu không muốn nói là duy nhất; còn thầy cô giáo thì đối mặt với chuyện “cháy giáo án”, phải làm sao để đạt cho được những chỉ tiêu, kế hoạch…
Học tập suốt 12 năm trời trong một môi trường đầy tính khuôn sáo như vậy thì khó mà hình thành nên phong cách học tập thiên về tư duy sáng tạo ở HS. Ngay cả trong các kỳ thi tú tài, đại học, HS luôn được khuyến cáo là buộc phải học đúng theo chương trình giáo khoa, không được học thêm bên ngoài nêu muốn đạt điểm cao, làm cho HS cảm thấy “sợ” khi muốn tự mình đến với những gì mới mẻ trong quá trình học tập.
Đến khi vào đại học, hãy thử nhìn thời khóa biểu của một SV xem, hầu như quĩ thời gian của người nào cũng kín bởi những môn học từ lý thuyết đến thực hành, thí nghiệm. Chỉ thời gian đến trường không thôi cũng đã hết một ngày, chưa kể đến thời gian phải ngồi ôn lại để có thể nhớ hết những gì đã được dạy, thì chẳng còn khoảng nào mà dành cho tư duy sáng tạo. Nhiều người từng nói SV VN học nhiều gấp hai lần SV nước ngoài nhưng phần tiếp thu được thì lại thua kém nhiều.
Bên cạnh đó phương pháp truyền thụ của giáo viên, người dẫn dắt tư duy cho SV: kiểu giảng viên đọc, SV chép cũng còn rất phổ biến. Đối với các SV thuộc khối, ngành kỹ thuật chắc chắn là không thể ngồi đọc các sách khoa học để rồi vắt óc sáng tạo cho ra những điều mới mẻ, mà phải gắn liền với trang thiết bị thực hành, phòng thí nghiệm và những chính sách khuyến khích.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay đầu tư cho mảng này còn chưa đáp ứng nhu cầu cho thực hành để lĩnh hội những gì đã học trên lớp, nói chi đến việc giúp SV tìm tòi, phát hiện cái mới. Số lượng HS, SV xuất sắc, đạt được các giải thưởng này nọ thật ra là một số rất ít, nếu nhìn vào đó rồi yên tâm thì quả là một thiếu sót lớn, vì đối tượng cần hướng đến là hàng triệu HS, SV trên cả nước đang thụ hưởng nền giáo dục hiện tại.
Qua những gì vừa nêu, càng nghĩ tôi càng “thấm” lời giáo sư Ngô Gia Hy, nếu không có những chuyển biến thật sự từ bản thân HSSV (những người học, đối tượng cần phát huy khả năng tư duy sáng tạo) và giáo viên, giảng viên (những người dạy và khơi nguồn sáng tạo) và nhà quản lý giáo dục (những người tạo điều kiện cho học tập, giảng dạy) thì cái “tội” ấy sẽ ngày càng có nhiều người mắc phải.
PHẠM TRỌNG CHINH
( ĐH Bách Khoa TPHCM)