Nhà khoa học đang đi đâu, về đâu?

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Nhà khoa học đang đi đâu, về đâu?

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 13:11

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được các thầy cô dạy rằng: Người Việt Nam rất thông minh, tài giỏi, sáng tạo…Chúng tôi mang theo niềm tin trong trẻo ấy vào đời, nhưng chính thực tế cuộc sống đã tạo nên nỗi hoài nghi ngày một lớn…

Những nghịch lý về sự sáng tạo

Có một điều khiến chúng tôi rất trăn trở: tại sao Việt Nam là quê hương của tre trúc, cây tre đã trở thành một biểu tượng của dân tộc thế mà ngay cả chiếc tăm tre chúng ta cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ)? (tăm của họ hình tròn, nhọn hai đầu, tẩm quế rất thơm, sau đó chúng ta mới bắt chước làm theo). Rồi cả chiếc chiếu trúc đã trở nên rất thân thiết với các gia đình cũng “xuất xứ” và có “bản quyền” từ TQ?

Hiện tượng hàng hóa TQ tràn ngập thị trường đã là một thực tế được cảnh báo từ lâu và là một nguy cơ rất lớn đối với nền sản xuất trong nước. Tìm hiểu về lĩnh vực này, bất cứ ai cũng không khỏi kinh ngạc về mức độ phong phú, hấp dẫn của hình thức, mẫu mã, tính chất cạnh tranh của giá cả (thậm chí là quá rẻ, siêu rẻ), mức độ “vạn năng” của các tính năng…

Cho nên, mặc dù còn nhiều băn khoăn về chất lượng, mức độ an toàn… người tiêu dùng vẫn hướng đến hàng hóa Trung Quốc như một sự tất yếu. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là sự vô cùng vô tận đến mức đáng ngạc nhiên, khâm phục của họ về mặt ý tưởng sáng tạo, và đã tạo nên không ít đột phá.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Không ít người nghèo vẫn còn “biết ơn” xe máy giá rẻ “phá giá” xuất xứ từ TQ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy trong nước phải chấp nhận giảm giá, giảm bớt những món lợi nhuận khổng lồ của họ để hướng nhiều hơn đến người thu nhập thấp. Hoặc nếu không có những chiếc máy bơm điện mini hiệu “Cá sấu” (TQ) thì không biết đến bao giờ người nông dân mới hết cảnh trầy da tay, nhừ bả vai vì múc nước gàu sòng hay bơm nước giếng UNICEF nặng như cối đá?...

Ngay cả một chiếc hộp đựng tăm, họ cũng thiết kế sao cho bấm vào một cái nút là một chiếc tăm “nhảy” ra, tiện lợi vô cùng… Mùa hè đến, mất điện liên miên, người tiêu dùng tha hồ lựa chọn các mẫu quạt, đèn tích điện, quạt hơi nước từ TQ với giá rẻ bất ngờ (dĩ nhiên chất lượng chưa bảo đảm) trong khi đó các hàng hóa tương tự có mẫu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thì quá thưa vắng. Ngay cả bóng đèn nê-on, đèn tiết kiệm điện của họ giá cũng rẻ và mẫu mã phong phú hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam.         

Lĩnh vực đồ chơi trẻ em thì nhìn qua cũng biết hàng hóa TQ đã chiếm thế thượng phong tuyệt đối. Phóng viên của một tỉnh miền Trung thống kê và nhận thấy trong dịp tết Trung thu, đồ chơi cho trẻ em xuất xứ từ TQ có đến 200 loại, trong khi đồ chơi nội địa chỉ có… 2 mặt hàng! Lý do thì chắc mọi người đã biết.

Không nói đến những đồ chơi phải có trình độ kĩ thuật cao mới sản xuất được như rô-bốt, xe điều khiển từ xa, quà tặng có âm nhạc…ngay cả những món đồ chơi cực kì đơn giản như xe chạy bằng dây cót, mặt nạ, con vật, xếp hình, bảng chữ cái…họ cũng khiến cho các doanh nghiệp của chúng ta “đo ván” một cách “tâm phục khẩu phục”… Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước không nên ngụy biện bằng những lý do như thiếu vốn, trình độ kĩ thuật hạn chế… để biện minh cho sự yếu kém của mình.

Hỏi nhà khoa học đi sáng tạo ở đâu?

Xã hội đã phân công trách nhiệm rõ ràng: mỗi người có một nhiệm vụ của mình. Trước tình trạng yếu kém về khoa học, về ý tưởng sáng tạo dẫn đến nguy cơ tụt hậu của đất nước… người ta sẽ hỏi đến các nhà khoa học. Bởi vì nhiệm vụ của họ là nghiên cứu khoa học, học hỏi, sáng tạo để phục vụ sản xuất, cuộc sống. Tìm hiểu ra, chúng tôi nhận thấy “bức tranh khoa học” của chúng ta cũng đang “có vấn đề”.

Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực sáng tạo của một quốc gia là số lượng các bài báo khoa học được công bố (và trích dẫn) trên các tạp chí khoa học quốc tế. Giáo sư Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết: hàng năm ước tính có đến 800.000 bài báo thuộc 21 ngành KH&CN được công bố trên gần 6.000 tạp chí quốc tế, trong đó các quốc gia dẫn đầu là Mỹ (300.000 bài), Nhật (75.000 bài), Đức (66.000 bài), Anh (59.000), Pháp (47.000), Trung Quốc (57.000).

“Mười năm qua (1995-2004), số bài báo khoa học có địa chỉ Việt Nam xuất hiện trên các tạp chí quốc tế tăng từ 204 bài năm 1995 lên 456 bài năm 2004, cả thảy có 3.236 bài. Nhưng trong số này, hơn 2.400 bài (quá 3/4) là của các tác giả Việt Nam đứng chung tên với người nước ngoài, chỉ có gần 800 bài là "thuần Việt", được thực hiện chủ yếu bằng nguồn nội lực. Số lượng quá ít ỏi này lại cứ dẫm chân tại chỗ quanh con số 80 bài mỗi năm suốt thời gian qua”. Đặc biệt là các bài báo khoa học của chúng ta hầu như thiên về lý thuyết, và rất ít được trích dẫn. (Báo Vietnamnet ngày 15/1/2006).

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng thua kém nhiều. Tác giả Diệp Văn Sơn nhận xét: số lượng các bài báo khoa học thì Malaysia hơn ta 10 lần, Thái Lan 20 lần, Singapore gần 30 lần (nhớ rằng số các nhà khoa học, số GS và PGS của họ ít hơn ta rất nhiều). (Báo Tuổi trẻ ngày 2/11/2004).

Trước tình trạng đó, GS Hoàng Tụy đã lên tiếng báo động về tình trạng “nguy kịch” của giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có phương diện về chỉ số năng lực sáng tạo.

Bản chất của khoa học là trung thực, thế nhưng tình trạng “đạo văn, đạo công trình” đã diễn ra khá phổ biến, và có không ít vụ bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng. Một số nhà khoa học né tránh những đề tài “nhạy cảm” không dám nêu ra chính kiến. Đâu rồi tinh thần của Cô-péc-níc, của Ga-li-lê hỡi các nhà khoa học?     

Theo chúng tôi, có lẽ cũng chỉ ở Việt Nam mới có một số lượng rất lớn những người có học hàm học vị cao(GS-PGS-TS) nhưng lại đã “thoát ly” nghiên cứu khoa học để làm… quản lý (Theo thống kê của báo Vietnamnet ngày 15/12/2007, có khoảng 70% số người có học vị TS của chúng ta đã “tạm biệt” nghiên cứu khoa học). Đây cũng là một nghịch lý rất đáng suy ngẫm. 

Trong khi các nhà khoa học đang “sa lầy” thì có vẻ như “mặt trận” của sự sáng tạo đã được (hay bị) nhường lại cho những người…nông dân, những người lao động tuy ít học nhưng lại tràn đầy nhiệt huyết, luôn nỗ lực vươn lên, không bằng lòng với cái đã có để nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

Bài viết “Sức sáng tạo của nông dân” của tác giả Văn Duy trên báo Nông nghiệp Việt Nam số 2760-2761 ngày 2/9/2007 khiến chúng tôi thực sự “ngả mũ” trước sức sáng tạo của người nông dân. Bài báo cho biết: Anh Đỗ Quý Hảo ở Kiên Giang, tuy học vấn lớp 7 nhưng sau 10 năm mày mò đã nghiên cứu thành công cách diệt bọ hà cho khoai lang bằng phêtamon. Anh Hòa Vang ở tỉnh Ninh Thuận chế tạo máy gieo hạt; anh Trần Văn Dũng ở Trà Vinh chế tạo thành công máy đào và hút đất; anh Bùi Hữu Nghĩa ở Long An chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp, được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”; ông Nguyễn Hữu Tùy (Hà Tây) chế tạo thành công máy cày hai lưỡi và máy gieo hạt đậu; anh Nguyễn Văn Long (Bến Tre) chế tạo được máy dệt chiếu; anh Đặng Văn Thắng (An Giang) sau 10 năm đã chế tạo ra máy xới đất 4 bánh cày bừa được trên cả ruộng khô và ruộng bùn lầy, giá rẻ một nửa so với máy ngoại nhập…

Ở các lĩnh vực khác, người nông dân cũng có nhiều sáng tạo đáng nể phục: ông Ba Mọi (Ninh Thuận) cho ra sản phẩm nho an toàn (sạch), tạo được thương hiệu và không kém cạnh nho ngoại; ông Nguyễn Văn Loan( Sơn Tây) chế tạo máy xử lý rác thải bệnh viện, biến rác thành bùn, công suất lớn; ông Bùi Văn Lài (Đà Lạt) ghép thành công hoa “Nhật quỳnh” (hoa quỳnh nở ban ngày có hai màu đỏ, vàng); ông Trần Quang Thiều (Hà Tây) chưa học hết cấp II nhưng đã viết cuốn sách “Binh pháp diệt chuột” 100 trang vô cùng thú vị và hữu ích…

Lời giải nào cho bài toán nhà khoa học “tắc đẻ”?

Dĩ nhiên, chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm, phủ nhận tất cả những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Nhìn nhận một cách công bằng, đội ngũ các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng, có những đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã được xã hội biết đến và tôn vinh, nhiều nhà khoa học được giới khoa học quốc tế đánh giá cao: từ các thế hệ lớp trước như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…, và các thế hệ tiếp theo như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Tài Thu, Nguyễn Văn Đạo…Và hàng trăm tên tuổi khác mà do khuôn khổ bài báo chúng tôi không liệt kê nhưng luôn được biết đến như những niềm tự hào của nền khoa học Việt Nam. Chúng ta vẫn đạt những giải thưởng khoa học quốc tế, thế hệ trẻ vẫn khẳng định được tài năng qua các cuộc thi quốc tế và khu vực…

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trong thời kì mới, so với tiềm năng trí tuệ dân tộc thì rõ ràng các nhà khoa học của chúng ta “chưa hoàn thành nhiệm vụ”, thậm chí cần phải thấy rõ sự tụt hậu, yếu kém để có những nỗ lực bứt phá vươn lên. Rõ ràng có một nghịch lý khi mà các nghiên cứu khoa học của chúng ta vẫn tập trung vào lĩnh vực lý thuyết, trong khi ở lĩnh vực này chúng ta đã tụt hậu nhiều so với thế giới, còn ở lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng với vô số vấn đề thiết thực và bức xúc từ cuộc sống thì vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.         

Không biết các nhà khoa học có thấy áy náy và buồn lòng vì hầu như có nơi có lúc đã phải nhường lại “mặt trận” sáng tạo KHKT cho những người nông dân vốn ít được học hành, chân lấm tay bùn, chưa hề biết những lý thuyết cao xa, chưa hề biết bất cứ một chữ nước ngoài nào?                

Bản chất của khoa học là khai phá, là tiên phong, sáng tạo, thực hiện vai trò dự báo, chỉ đường cho xã hội. Thế nhưng ở nước ta, hiện tượng khoa học “lẽo đẽo” chạy theo thực tiễn không còn là cá biệt. Ví dụ: hiện tượng “ngoại cảm tìm mộ”, “gọi hồn” đang lan tràn rốt cuộc là “khoa học mới” hay là “trò mê tín, lừa đảo kiểu mới”? Đó là câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra một cách cấp thiết cho các nhà khoa học, đòi hỏi các nhà khoa học không được phép né tránh hay trì hoãn, đồng thời phải dám chịu trách nhiệm về câu trả lời của mình.       

Trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tai” hoặc né tránh chưa có câu trả lời, thì người dân họ đâu có chờ đợi, và tệ nạn mê tín dị đoan tha hồ hoành hành.                    

Việc ngành điện hiện đang rất lúng túng để làm sao đáp ứng đủ nhu cầu cho cuộc sống cũng phải kể đến vai trò dự báo, tính toán yếu kém của các nhà khoa học năng lượng, kinh tế. Bởi vì trước đó khoảng dăm năm, ngành điện rất lạc quan khi cho rằng: Việt Nam không dùng hết lượng điện năng sản xuất trong nước, nên có thể xuất khẩu điện!                

Biết bao vấn đề xã hội bức xúc đang đòi hỏi các nhà khoa học “vào cuộc”: tình trạng tội phạm, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, nguy cơ lạm phát, phòng và chữa bệnh, phát triển sản xuất, quy hoạch, bảo tồn…Dĩ nhiên lâu nay các nhà khoa học vẫn không thờ ơ, họ vẫn đang “làm công việc” đấy chứ, nhưng đất nước và người dân đòi hỏi họ phải có một sự “dấn thân” thực sự, một quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt, thể hiện tinh thần tiên phong, dũng cảm, trung thực của đội ngũ những nhà khoa học…Việc thành công của việc phản biện chính sách phát triển sân gôn là một thành công đáng ghi nhận của các nhà khoa học.

Một đất nước mà khoa học trì trệ, kém phát triển thì tất yếu sẽ tụt hậu, suy vong. Vì vậy, hơn lúc nào hết, nhà nước cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để thúc đẩy nền khoa học phát triển, tránh rơi vào tình trạng “hư học” hết sức lãng phí và nguy hiểm. Bài học ưu tiên tập trung phát triển khoa học của Nhật Bản và các nước phương Tây đem lại sự thịnh vượng vẫn còn nguyên giá trị. Và cũng chỉ có các nhà khoa học mới có thể trả lời một cách đầy đủ nhất câu hỏi nhức nhối: Phải làm sao để khoa học phát triển?

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Từ những điều bức xúc trong cuộc sống, tác giả viết bài trên đây cũng như nhiều người dân Việt Nam khác có thể nêu lên câu hỏi: Các nhà Khoa học của chúng ta đang ở đâu và đang làm gì?

Rất tiếc biết bao đề tài nghiên cứu bằng nguồn kinh phí nhà nước không đem lại hiệu quả thiết thực, không giải đáp trúng những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống.

Nhớ lại lời căn dặn của Bác Hồ đối với mọi người làm khoa học nước ta: “Khoa học từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân…” Lời căn dặn ấy của Người tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 1959) cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thiết nghĩ, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các nhà khoa học nên thi đua thực hiện phương hướng hành động của giới khoa học mà Bác Hồ đã nhấn mạnh tại đại hội nói trên.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến135 khách