Sự bứt phá bắt đầu khi vào năm 1995, cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee đưa ra mục tiêu: tái định vị công ty trên thị trường, bán ra các sản phẩm chất lượng cao với mức giá cao hơn. Để đạt được điều này, ông thấy Samsung cần có tầm nhìn phát triển sản phẩm mới ở mức toàn cầu, đặc biệt về thiết kế, để có thể sản xuất ra các sản phẩm thu hút cả thế giới.
Triết lý mới về phát triển sản phẩm…
Các quá trình lập kế hoạch cho sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thiết kế, tiếp thị và phân phối được vạch ra trong phòng VIP (Value Innovation Project), nơi chuyên thực hiện các dự án sáng tạo giá trị, trong vòng 3 tháng. Samsung quyết định xây dựng dự án này vì họ nhận ra rằng, 80% chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm được quyết định trong giai đoạn đầu của việc phát triển sản phẩm.
Các kỹ sư và thiết kế hàng đầu của Samsung được đưa đến phòng VIP để hoàn thành một nhiệm vụ phát triển sản phẩm nào đó. Tại đây, các nhân viên có thể ở lại một thời gian dài để tập trung làm việc mà không cần về nhà, và việc này rất hiệu quả để phát triển một sản phẩm mang tính sáng tạo và đồng nhất. Trước kia, mỗi bộ phận chỉ chú tâm vào chức năng sản phẩm có liên quan đến công việc của mình. Kỹ sư là người yêu cầu nhà thiết kế mô phỏng mẫu sản phẩm theo ý họ chứ không phải nhà thiết kế như hiện tại.
Mặt khác, Samsung cũng tạo ra hệ thống chiến lược lập trình sẵn thời gian biểu chặt chẽ cho mọi hoạt động sản xuất sản phẩm. Chẳng hạn mỗi năm, sau khi nhân viên đưa ra ý tưởng mới về mẫu mã sản phẩm (tháng 3,4) thì giám đốc chi nhánh sẽ trình ý tưởng lên hội đồng quản trị (tháng 5,6). Ba ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn làm sản phẩm chiến lược của công ty trong năm kế tiếp. Áp dụng nghiêm túc thời gian biểu này, mọi bộ phận, phòng ban có thể hợp tác chặt chẽ để cho ra đời các mẫu sản phẩm mới tốt nhất.
Viện Thiết kế và Nghệ thuật Samsung (SADI) đã giành được 14 giải Reddot năm 2008
…và thị phần số 1 tại 13 ngành hàng
Loạt TV LCD Bordeaux tung ra đầu năm 2006 đã được phát triển theo hệ thống mới này. Đây là sản phẩm chiến lược của Samsung năm 2006. Chỉ tính riêng trong tháng 6 cùng năm, Samsung bán ra 550.000 chiếc trên toàn cầu và hơn 3 triệu chiếc trong cả năm. Tại Việt Nam năm 2006, theo thống kê của GFK, số lượng TV LCD Bordeaux chiếm 70% tổng số TV LCD của Samsung bán tại Việt Nam. Ngoài những thành công trong kinh doanh, TV LCD Bordeaux còn đạt được hàng loạt giải thưởng danh giá như giải thưởng thiết kế Red Dot 2006, giải thưởng thương hiệu LCD số 1 ở Đông Nam Á và châu Âu 2006...
Ngoài TV LCD Bordeaux, các sản phẩm khác của Samsung như điện thoại, đầu DVD, Blu-ray…liên tục nhận được các giải thưởng danh giá. Chỉ trong hai năm 2006 và 2007, Samsung đã nhận được hơn 100 giải thưởng thiết kế tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á như Red Dot (Đức), Good Design Award (Nhật), Industrial Design Excellence Awards (Mỹ), IF (Đức)...
Ngoài ra, yếu tố chiều sâu tạo nên thành công của Samsung là công tác R&D. Không một công ty công nghệ nào, kể cả Intel, Microsoft hay Sony đầu tư nhiều vào R&D như Samsung. Tỷ trọng dành cho R&D trong tổng doanh thu tăng dần từ 7,4% năm 2001 lên 9,4% năm 2007 với 6,3 tỷ USD. Samsung hiện nay có 7 trung tâm thiết kế và 16 trung tâm công nghệ trên toàn cầu, đồng thời sở hữu 2.725 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ, đứng thứ 2 thế giới. Rõ ràng, khi phát triển sản phẩm mới, công ty không chỉ chú trọng về thiết kế mà còn về công nghệ.
Samsung hiện nay chiếm giữ vị trí thị phần số 1 thế giới tại 13 ngành hàng điện tử - truyền thông. Theo bảng xếp hạng 500 thương hiệu mạnh nhất toàn cầu mới nhất của Fortune, trong số các công ty điện tử - thiết bị điện, Samsung có mức doanh thu đứng thứ 2 thế giới với 106 tỷ USD nhưng lợi nhuận lại đạt mức cao nhất thế giới với gần 8 tỷ USD. Những kết quả này được góp công rất lớn bởi các kế hoạch đầu tư đúng đắn và dài hạn vào sản phẩm mới của Samsung.
PV