Trẻ tiếp thu rất tốt khi chơi. Và những khoảnh khắc tung tăng nô giỡn ngoài trời chính là chương trình học lý tưởng nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về khả năng nhận thức, tình cảm, thể lý và xã hội.
Nhu cầu chính đáng của trẻ
Một số tài liệu khoa học đã chứng minh: Vui chơi ngoài trời, vui chơi vận động với các động tác chạy và trèo làm cho trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng.
Ngoài ra, vì ở sân trẻ ít bị giám sát hơn trong lớp nên sân chơi cũng là nơi hoàn hảo nhất giúp trẻ học những bài học có tính xã hội.
Đùa giỡn ngoài trời, trẻ học cách chia sẻ và thay phiên nhau, bày trò để chơi chung. Khi xung đột nảy sinh, chúng giải quyết bằng cách của chúng, học cách thương lượng và hợp tác.
Trong nghiên cứu toàn cầu “Hãy để trẻ tự do vui chơi” của Mỹ vừa được tiến hành tại 11 nước, trong đó có Việt Nam, có tới 81% trong số 150 bà mẹ Việt Nam tham gia khảo sát hiểu rằng nếu thiếu những hoạt động vui chơi xã hội, trẻ sẽ khó lòng học được cách thiết lập các mối quan hệ.
74% bà mẹ cũng có suy nghĩ: Khi thiếu các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời, trẻ sẽ khó lòng thấy hạnh phúc, vui tươi được với nhịp sống của mình.
Hãy để trẻ tự do vui chơi
79% bà mẹ Việt
Có tới 97% những bà mẹ khẳng định “Là cha mẹ, tôi cần bảo vệ tuổi thơ của con tôi!”. Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi: Đâu là những vật cản lớn nhất cản trở quá trình chơi đùa của trẻ, có đến 59% lo lắng về vấn đề an toàn và 47% lo lắng về bệnh tật. Ngoài ra, một tỷ lệ khá lớn (29%) lo trẻ bị vấy bẩn. Như vậy tuổi thơ của trẻ có lẽ chỉ được cha mẹ bảo vệ trong "cấm cung"? |
Đến 91% bà mẹ tiết lộ rằng con họ gắn liền với… chiếc tivi, và chỉ 4% bà mẹ Việt Nam cho biết con mình có tham gia vào các trò chơi vận động (trong khi tỷ lệ này với các bà mẹ trên toàn thế giới là 22%).
Tất cả các hoạt động ngoài trời khác như khám phá thiên nhiên, chơi các trò chơi tưởng tượng, sáng tạo cũng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp: từ 5-6%.
Trong khi đó, tỷ lệ cao đều dồn cả vào game, máy tính, hàng loạt các hoạt động “buộc” trẻ ngồi lì trong phòng hoặc trong nhà, bị tách biệt hẳn khỏi những hoạt động thể chất, những trải nghiệm thực tế, sự linh hoạt, sáng tạo trong xử lý tình huống và giao tiếp với bạn bè.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ “bước ra ngoài” lúc này thật sự là việc cần làm. Vấn đề đặt ra là, các bậc phụ huynh cần ý thức được nhu cầu chính đáng này của trẻ, mạnh dạn cho trẻ ra ngoài chơi, đến với những địa điểm vui chơi an toàn, chơi những trò chơi mà trẻ yêu thích, hay cả việc lấm bẩn một cách có ích trong khi chơi…
Điều đó giúp trẻ có được những phút giây trọn vẹn tuổi thơ, được là chính mình, và tự do khám phá thế giới rộng lớn xung quanh.
Lan Hương