(Dân trí) - Đoạt giải phong cách của cuộc thi “Bước nhảy xì tin” 2008 với phần thưởng chuyến du lịch Hồng Kông đã giúp nhóm nhảy Doo Doo Clan chứng minh được rằng “Hiphop không phải là mấy con bé uốn éo, sexy, mấy thằng quay đầu quay chân có ngày trẹo cổ”.
Là một nhánh nhỏ của nhóm nhảy “Loggers”, “Doo Doo Clan” là được lập ra để 8 thành viên trẻ tham dự cuộc thi “Bước nhảy xì tin” 2008 vừa qua. Không trang phục cầu kỳ, không cổ vũ rầm rộ nhưng với những màn biểu diễn đầy sáng tạo, đặc biệt là phong cách đậm chất “học sinh, sinh viên” của Doo Doo Clan đã chinh phục được Ban giám khảo và tất cả khán giả.
“Không có nhiều tiền không có nghĩa là thiếu tự tin”
Ngay từ những ngày đầu tiên tìm kiếm và thành lập nhóm tham dự cuộc thi quả là quãng thời gian vất vả, khó quên đối với tất cả thành viên Doo Doo Clan. Đa số các bạn đều là sinh viên nên bạn nào cũng sợ khi tham gia sẽ ảnh hưởng đến học tập. “Khi tìm đủ người rồi lại nảy sinh nhiều vấn đề khác, cứ đến lúc tập là bọn mình lại cãi nhau như cái chợ, góp tiền để thuê phòng tập có gương xong thì người này ốm, người kia mệt, người khác xin về quê… Bọn mình đã phải động viên nhau rất nhiều và hiểu rằng, chỉ có chia sẻ và đoàn kết mới có thể vực dậy được toàn đội”, Tuấn Anh (nickname: Kat, ĐH Phương Đông, Hà Nội Aptech), một thành viên cốt cán của Doo Doo Clan (DDC) nhớ lại.
Đạt giải đẳng cấp khu vực Hải Phòng, rồi tiến thêm một bước nữa là chung kết khu vực Hà Nội và cuối cùng là chung kết toàn quốc đã hoàn toàn chứng minh được khả năng, thực lực và ý chí của DDC.
Nếu như đa số các đội nhảy đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, đầu tóc thì “DDC toàn là những sinh viên nghèo thì lấy đâu ra tiền để có thể đầu tư như họ được. Trong đêm Bước nhảy xì tin, mình thấy các nhóm thay trang phục lia lịa, còn nhóm mình chỉ có mỗi một bộ. Nhưng tất cả điều ấy không làm DDC mất đi tự tin và nhiệt huyết cống hiến niềm đam mê của mình”, tâm sự cởi mở của Thanh (1988, Đại học Ngoại Thương) trưởng nhóm.
Nhiều bạn trẻ có suy nghĩ, cứ phải là con nhà giàu, có tiền thì mới tham gia club, mới biết đến dance, hiphop. “Đó thực sự là một ý nghĩ sai lầm và có phần hơi cực đoan”, Minh Hồng (1988, năm 3 Đại học Ngoại Thương), một thành viên trẻ và năng nổ nhất của DDC nhận xét. Không có khả năng tài chính mạnh không hẳn là một điểm yếu khó vượt qua vì “điểm yếu hay mạnh thì nhóm nào cũng có, nhưng bù lại, mỗi thành viên trong nhóm đều có khả năng sáng tạo cao. Và điều quý giá nhất đó chính là sự gắn bó, đoàn kết như một gia đình của cả nhóm”.
Luôn như một gia đình!
Thông thường, các đội nhảy tham gia có “Mạnh Thường Quân” đứng sau lưng là nhà tài trợ hoặc hậu thuẫn lớn từ gia đình, nhưng với DDC thì hoàn toàn ngược lại. Mọi hoạt động, chi tiêu từ A đến Z đều được đóng góp của tất cả thành viên.
Đam mê là hành động!
Khẩu hiệu “khiêm tốn - thật thà - dũng cảm” luôn được đề cao trong tinh thần của mỗi thành viên DDC. Mặc dù, đa số các bạn còn rất trẻ (thành viên lớn nhất sinh năm 1988 và nhỏ nhất mới tròn 16 tuổi) nhưng đều có tinh thần làm việc nhóm cao và rất quy củ, “thưởng phạt phân minh”. “Anh trưởng nhóm Loggers (quản lý DDC) chính là người đã giữ vững nề nếp, quy củ cho cả nhóm vì bản thân anh ấy là một ví dụ cho tất cả thành viên. Anh ấy đã từng quá đam mê hiphop đến mức lỡ dở chuyện học hành, hiện tại vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp trường Đại học KHTN. Chính anh ấy muốn bọn mình giữ kỷ luật thép, không ai được sao nhãng học hành”, sự ngưỡng mộ từ các thành viên của DDC dành cho “bầu sô” của mình.
Các bạn đều chia sẻ suy nghĩ rất thật của mình là không ai nghĩ sau này sẽ đi theo con đường trở thành một dancer chuyên nghiệp, mà chỉ coi đây là quãng thời gian sống đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ. “Bọn mình đi thi vì niềm vui, vì muốn cống hiến, không phải vì tiền hay sự nổi tiếng, cả nhóm đâu có ngờ là đạt giải đâu. Nhưng trong thâm tâm, ai cũng có chút tự hào, vì bọn mình đã chứng minh được cho bố mẹ thấy Hiphop không phải là mấy con bé uốn éo, ăn mặc hở hang, mấy thằng quay đầu quay chân có ngày trẹo cổ!”
"Mình nghĩ bọn mình đã thu về nhiều hơn giải thưởng"
Không chỉ Hiphop mà với mọi thể loại nhảy khác đều cần đến khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, năng khiếu về sự chuyển động hình thể, cao hơn đó là sự sáng tạo, biến hóa để cho ra đời những màn vũ đạo mạnh mẽ, cuốn hút, độc đáo. “Chính từ quá trình tập luyện, bọn mình đã học được vô số điều bổ ích về khám phá khả năng của bản thân, phát triển nó cho đến kỹ năng làm việc, tổ chức và những kỹ năng của cuộc sống. Mình nghĩ bọn mình đã thu về nhiều hơn so với giải thưởng là chuyến du lịch Hồng Kông”, thêm một suy nghĩ chững chạc từ cô bạn trưởng nhóm.
Tuấn Anh và Minh Hồng, 2 thành viên nhảy chính của DDC đều có chung một quan điểm “Đam mê là hành động. Đừng chỉ cất nó ở một góc suy nghĩ của bạn mà chẳng làm gì cả. Hoặc nếu làm nửa chừng vì gặp khó khăn thì cũng coi như bạn chả có đam mê gì hết. Bản lĩnh là khi bạn chấp nhận thử thách để vượt qua, và sau đó, bạn hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu bước tiếp”.
Cuộc thi đã khép lại nhưng dư âm của nó thì vẫn còn làm “rung rinh” tất cả thành viên của DDC và cả nhiều các bạn trẻ mê nhảy khác. Như lời nói vui của Tuấn Anh thì “hãy chăm chỉ như kiến thợ, sáng tạo như nghệ sỹ, xõa theo nhạc để đam mê và học hết mình mỗi ngày để cuộc sống không bao giờ là một hành trình nhàm chán”.
Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.