Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Trọng Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Truyền thông & giáo dục sức khỏe TPHCM, thì con số này còn cao hơn do rất khó thống kê được chính xác vì trẻ đường phố hay lẩn tránh.
TPHCM là thành phố lớn nhất nước, ước tính đến nay có khoảng 10.000 trẻ em lang thang, cơ nhỡ kiếm sống trên địa bàn TP. Đối tượng này lại đặc biệt thiếu kiến thức và hiểu biết sai về HIV/AIDS.
Các em lại là nhóm bị xã hội kỳ thị, xa lánh nên khi mắc bệnh lại khó được điều trị đúng cách, nhiều em hoạt động mại dâm nên khả năng lây lan càng cao hơn, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Do vậy, truyền thông cho trẻ đường phố về kiến thức phòng chống HIV/AIDS để hạn chế nguy cơ lây nhiễm là rất cần thiết.
Trước nhu cầu đó, Trung tâm Thực hành công tác xã hội của trường Đại học Mở TPHCM đã tổ chức Chương trình Truyền thông phòng ngừa HIV/AIDS cho thanh thiếu niên đường phố và nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hoa Kỳ để hoạt động trong 1 năm.
Hoạt động của chương trình là thu gom thanh thiếu niên đường phố thông qua các đồng đẳng viên để giao lưu, trao đổi với nhau về kiến thức phòng chống HIV/AIDS. Bạn Minh Châu, một trợ lý của chương trình, cho biết: “Sau một thời gian tham gia chương trình, từ chỗ không biết gì về HIV, các bạn đã biết cách dùng bao cao su, dùng kim tiêm đúng cách để phòng bệnh cho mình”.
Cũng từ chương trình, các bạn đồng đẳng viên còn chủ động khuyên các đối tượng đã nghiện đi cai tự nguyện, giúp đỡ các trẻ đường phố hành nghề mại dâm lỡ có thai tìm các nhà mở có chế độ chăm sóc miễn phí cho đến khi sinh con… nên rất được các em đường phố tin tưởng và tham gia.
Sau 5 tháng hoạt động, 15 đồng đẳng viên đã tập trung được hàng trăm bạn trẻ đường phố. Ngày 20/2, hơn 100 bạn trẻ đường phố trong chương trình khắp TP đã tập trung về Trung tâm Văn hóa quận 6 tham gia Chương trình Ngày sáng tạo.
Tại đây, các bạn tự làm quen và phân thành 5 nhóm để tham gia các trò chơi sáng tạo, tự tập kịch, biểu diễn thời trang… thể hiện các chủ đề truyền thông về HIV/AIDS. Em Võ Văn Mai, một trẻ đường phố, cho biết: “Ở đây, tụi em được chơi và được biết nhiều thứ”.
Qua những vở kịch, các em thể hiện thẳng thắn suy nghĩ của mình là đến với ma túy để tìm quên, bị bạn bè rủ rê… Nhưng các em không hề muốn bạn bè, xã hội bỏ rơi mình, không hề muốn nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Anh Lê Quang Nguyên tâm đắc: “Nhiều em còn dẫn theo bạn của mình đến tham dự Ngày sáng tạo, chứng tỏ các em rất có nhu cầu tìm hiểu thông tin này. Các em nhiễm chỉ vì các em thiếu kiến thức chứ không phải vì các em muốn nhiễm”.
Chị Lê Thị Mỹ Hiền, Giám đốc Trung tâm Thực hành công tác xã hội, cho biết: “Thông qua chương trình, sinh viên của trường được tiếp cận sớm hơn với nghề công tác xã hội, các em đường phố thì được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình tránh xa HIV/AIDS”.
Những mái đầu đủ màu tụm vào bàn bạc về bức tranh tuyên truyền của mình
Thông điệp “HIV là thù” được nhiều bạn trẻ đường phố quan tâm
Tranh luận với nhau về kiến thức phòng tránh HIV/AIDS xem ai hiểu đúng, ai hiểu sai
Biểu diễn thời trang phòng chống HIV/AIDS
Chăm chú xem chính những người bạn của mình đang tuyên truyền.
Tùng Nguyên