Mới đây, các nhà khoa học ở Viện Roslin, Scotland, nơi chú cừu Dolly nổi tiếng ra đời, đã bị buộc tội là "biển thủ ý tưởng nghiên cứu về gà biến đổi gene. Nguyên đơn của vụ kiện này là AviGenics, một công ty công nghệ sinh học Mỹ.
Năm ngoái, Roslin và Công ty Công nghệ sinh học Viragen (Mỹ), đã hợp tác nghiên cứu và tạo ra sản phẩm là một con gà biến đổi gene, mà trứng của nó chứa một protein có thể được sử dụng để chữa bệnh ung thư. Nhưng nay, AviGenics khẳng định rằng kỹ thuật này bắt nguồn từ các phòng thí nghiệm của họ và Tiến sĩ khoa học Helen Sang đã đánh cắp nó. Luật sư của AviGenics đang yêu cầu các thẩm phán Mỹ ngăn chặn Roslin và Viragen công bố kế hoạch của họ, đồng thời cần có ngay một phiên toà xét xử.
Trước lời buộc tội trên, phát ngôn viên của Viragen cho hay, công ty này đã bị sốc và ngạc nhiên. Ông nói bản buộc tội trên không có giá trị và nó sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Viện Roslin cũng tuyên bố họ sẽ bảo vệ đến cùng thí nghiệm của mình.
Công nghệ biến đổi gene trên gà, ước tính trị giá hàng triệu bảng Anh, sẽ cho phép các nhà khoa học tạo ra nhiều loại protein quý mà không cần đến những quy trình tốn kém và khó khăn. Gà biến đổi gene sẽ đẻ ra những quả trứng với lòng trắng chứa nhiều protein, đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó. Mỗi con gà có thể "sản xuất" khoảng 250 trứng mỗi năm, cung cấp một lượng lớn protein, là cơ sở để tạo ra các loại thuốc có khả năng chữa nhiều thứ bệnh, trong đó có ung thư vú và ung thư buồng trứng.
B.H. (theo BBC)