Bác sĩ Stuart Meloy, chuyên viên gây mê hồi sức ở bắc Carolina (Mỹ) vừa được cấp bằng sáng chế cho một dụng cụ cấy ghép điện tử độc đáo, có thể tạo nên khoái cảm tức thời cho phụ nữ mà không cần đến chuyện chăn gối.
Ý tưởng sáng chế này đã tình cờ đến trong một lần phẫu thuật, khi bác sĩ Stuart Meloy đang tìm cách đặt điện cực vào tủy sống của một phụ nữ để giúp giảm đau. Bệnh nhân lúc ấy đang tỉnh táo và hướng dẫn ông tìm đúng chỗ để đặt điện cực, bỗng nhiên nữ bệnh nhân kêu lên đầy thích thú. Tò mò, nhà phẫu thuật hỏi điều gì đang xảy ra? Người phụ nữ ấy đáp: Ông có thể hỏi chồng tôi thì biết!.
Theo Stuart Meloy, que cấy ghép này sẽ tạo nên cực khoái cho các phụ nữ khó đạt được khoái cảm. Que cấy gồm những sợi dây kích thích nối với một máy phát tín hiệu rất nhỏ, được cấy dưới da cùng một thiết bị điều khiển. Meloy cho biết, ông đang nghĩ đến việc phát minh một loại que cấy kích thích dành cho nam giới.
Đồ lót chữa đau lưng
Rất nhiều người trong chúng ta bị chứng đau lưng hành hạ, phần lớn do lặp đi lặp lại hằng ngày những cử động không thích hợp. Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học đã phát minh ra Body Up, một bộ đồ lót thông minh giúp chống đau lưng.
Body Up được trang bị các chip điện tử liên hệ với một thiết bị nhận thông tin. Nó sẽ phân tích các chuyển động của cơ thể, sau đó báo cho người sử dụng biết chuyển động nào nguy hiểm cho cột sống bằng cách phát ra một rung động. Mỗi một cử động không thích hợp xảy ra sẽ được ghi nhận, tập hợp, thống kê và người dùng có thể tự điều chỉnh để giảm thiểu các nguy hại. Body Up thích hợp với mọi dạng người, với 4 kích cỡ dành cho nam lẫn nữ. Sản phẩm dễ sử dụng, có thể giặt và hoạt động với nguồn điện từ pin 1,5 volt.
Ống thông chống ngáy
Ống chống ngáy. |
Tiếng ngáy khi ngủ là vấn đề gây khá nhiều phiền phức cho người chung quanh. Để chữa trị, trước đây đã có một số giải pháp được thực hiện như can thiệp phẫu thuật hoặc dùng tia laser CO2, nhưng đa số đều gây đau đớn cho người được điều trị. Mới đây, các nhà khoa học vừa đưa vào thử nghiệm một ống thông chống ngáy mang tên Capax, gồm một ống tuýp mềm bằng silicone và bộ phận lọc làm ẩm không khí thở. Capax được đặt vào miệng khi ngủ. Không khí từ ngoài đến khí quản sẽ không gây tiếng động và tiếng ngáy bị loại trừ.
Thuốc hít trị bệnh phổi ở người hút thuốc lá
Thuốc có tên là Galardin, dùng qua đường hít, đang được thử nghiệm trên chuột, cho phép giảm đến 96% các tổn hại ở phổi do khói thuốc lá gây ra. Phân tử GM 6001 (tức Galardin) sẽ ngăn cản sự gia tăng enzym được tạo ra bởi các tế bào thuộc hệ miễn dịch.
Khi khói thuốc lá tấn công vào phổi, cơ thể sẽ thúc đẩy sự hoạt động của nhiều tế bào này (đặc biệt là các đại thực bào và những tế bào đa nhân trung tính) tại tiểu phế quản cũng như trong thành phế nang phổi. Chúng tiết ra các enzyme tấn công vào mô liên kết của buồng phổi, gây sưng viêm, phá hủy mô đàn hồi của các tiểu phế quản và màng phế nang, gây nên bệnh viêm phế quản phổi mạn tính.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm cách ngăn cản sự hoạt động của các proteaz này và ê kíp của Pemberton quyết định chọn dạng hít, sử dụng nồng độ yếu tác động thẳng vào mục tiêu cần điều trị, đồng thời giảm được các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Với kết quả ban đầu, trong 1-2 tuần, GM 6001 đã ngăn chặn được sự gia tăng dự kiến của proteaz. Theo các chuyên viên về phổi thì kết quả đạt được vượt quá cả sự mong đợi: GM 6001 hít vào với liều thấp đã cho phép giới hạn sự tích tụ trong mô phổi các tế bào sưng viêm, giảm bớt số lượng lớn các proteaz gây phân hủy.
Băng thông minh giúp phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng
Để phòng ngừa và phát hiện sớm những vết thương nhiễm trùng, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Đại học Rochester (New York, Mỹ) đã có ý tưởng trang bị cho các loại băng vết thương một loại chip điện tử thông minh. Các chip mini bằng silic sẽ tác động và đổi màu tùy theo nhóm vi khuẩn có mặt ở vết thương. Khi vết thương được băng bó, nhờ một phần mềm đặc biệt, chúng sẽ có nhiệm vụ chẩn đoán nhanh, phân loại vi khuẩn nhiễm bệnh và hướng dẫn chọn loại kháng sinh thích hợp để sử dụng kịp thời. Muốn phân loại nhanh vi khuẩn, các nhà bác học dựa vào phương pháp nhuộm màu do nhà vi trùng học Hans Christian J. Gram phát minh từ năm 1884.
Loại băng này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, vì hiện nay tại các bệnh viện, phải mất 24-48 giờ để xác định một vết thương có bị nhiễm trùng hay không. Còn với loại băng thông minh nói trên, chỉ mất 1-30 phút để biết kết quả chính xác. Dự kiến sản phẩm sẽ được sử dụng tại một số bệnh viện từ năm 2005 và có mặt trên thị trường vào năm 2007.
Mini camera không cần pin
Các nhà khoa học Nhật Bản đang thí nghiệm một loại mini camera không cần pin đặt trong một viên thuốc, camera sẽ chuyển các hình ảnh thu nhận được (với tốc độ 30 ảnh/giây) trong khi viên thuốc chu du trong cơ thể. Các thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện trên chuột cobaye vào tháng 6/2002 và hứa hẹn trong tương lai không xa, các bệnh nhân bị ung loét sẽ không phải dùng đến phương pháp nội soi gây đau đớn. Viên thuốc camera sẽ được thải ra ngoài sau khi hoàn thành công việc quay video bên trong cơ thể. Thuốc camera có chiều dài 2,3 cm, đường kính 1cm, có thể thay đổi vị trí quan sát để giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy toàn cảnh. Trước đây, một công ty Israel cũng đã sáng chế ra mini camera nhưng cần có pin cung cấp năng lượng, và nó bị nghi ngờ sẽ phóng thích độc chất nếu không được thải ra ngoài.
Thú vật robot chăm sóc người cao tuổi
Giúp những người cao tuổi có thể tự chăm sóc bản thân là mục đích nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) ở Boston. Mới đây, các nhà khoa học đã chế tạo một thiết bị gọi là Pill pet, có nhiệm vụ nhắc nhở ông chủ uống thuốc đủ liều và đúng giờ qui định. Robot này hoạt động tương tự nguyên tắc của vật nuôi ảo lừng danh Tamagotch. Người nuôi phải thường xuyên cho ăn và chăm sóc, nếu không vật ảo sẽ bị bệnh và chết. Khi Pill pet phát triển bình thường, nó sẽ hướng dẫn người cao tuổi cách điều trị bệnh chính xác. Robot được làm dưới dạng những đồ chơi bằng silicone nhiều màu sắc, trang bị một màn hình ghi lại các hướng dẫn như số thuốc cần uống mỗi ngày và giờ uống thuốc...
Quần lót thông minh
Đây là loại quần lót có thể giúp phụ nữ tiên đoán được ngày rụng trứng hoặc ngày có kinh nhờ vào các loại vải mới. Phương pháp rất đơn giản: với sự hiện diện của độ acid và các vết cực nhỏ của máu, hai chất chỉ thị (một là résine và một là acid carminic) được đặt sẵn trong lớp vải sẽ đổi sang màu tím 4 giờ trước khi có kinh. Trường hợp muốn có con, quần lót thông minh sẽ báo cho biết ngày rụng trứng qua dấu hiệu: một lớp bảo vệ được phủ silicone sẽ dày lên khi có sự thay đổi nồng độ hoóc môn và xuất hiện một vòng tròn tím có đáy màu vàng. Hãng sản phẩm vệ sinh nổi tiếng Procter & Gamble đã đăng ký quyền sở hữu sản phẩm này, nhưng chưa cho biết bao giờ chúng sẽ có mặt trên thị trường.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)