Khi những con thú bằng vỏ dừa đầu tiên xuất hiện ở TP HCM, kiểu dáng ngộ nghĩnh của chúng đã được nhiều người chú ý. Các sản phẩm độc đáo này ra đời từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của chàng trai Bến Tre Út Trọn.
Nguyễn Văn Trọn (Út Trọn) bén duyên với thủ công mỹ nghệ từ chục năm nay nhưng hồi đầu chỉ làm một vài mặt hàng thô mộc. Ý tưởng dùng vỏ dừa khô để làm long, ly, quy, phụng... xuất hiện từ năm 1992 và ngày càng khẳng định sức hấp dẫn của nó với nhiều hình thù mới lạ.
Út Trọn tiết lộ: Muốn có sản phẩm đẹp, phải biết cách chọn trái dừa phù hợp. Làm rồng, khỉ... vì không bỏ ra từng mảnh nên phải chọn dừa có gáo to và chắc. Ngược lại, đối với ngựa, ba ba, cá sấu... phải ghép từng mảnh nhỏ lại với nhau nên có thể chọn những trái dừa xấu và bé hơn.
Nghề này khó nhất là khâu tạo mẫu. Để thổi vào nét tinh tế trong hình hài mỗi con vật, anh đã tự tìm tòi, cách tân để không bị sáo mòn. Tình trạng ăn cắp bản quyền cũng buộc anh luôn phải nghĩ ra những mẫu mã mới.
Để có được một thành phẩm như ý, Út Trọn phải qua khá nhiều công đoạn. Trước tiên là tạo mẫu và đem đi chào hàng. Nếu được chấp thuận thì làm, không thì phải điều chỉnh. Sau khi tiện ra hình hài từng con vật, anh tỉ mẩn chà nhám, tỉa vẽ, đánh sơn mài rồi xuất xưởng. Không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng nhờ hoa tay và óc sáng tạo, anh đã liên tục cho ra lò những sản phẩm độc đáo và bắt mắt.
Không chỉ những con thú mà còn nhiều sản phẩm khác như ly, bình, đĩa, khay, mặt nạ, lồng đèn... cũng được thị trường đánh giá cao, còn được xuất ra các nước Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore.
Hiện cơ sở của Út Trọn phát triển rất mạnh. Ngoài 50 hộ gia đình làm nghề đan lát, mây tre, lá, số người tham gia tiện sản phẩm liên tục tăng. Trung bình một người thu được 40.000-120.000 đồng/ngày.
Ở tuổi 36, Út Trọn vừa sáng tạo mẫu vừa chỉ đạo mọi công việc sản xuất kinh doanh. Anh vẫn thường lên TP HCM và các tỉnh bạn để tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
(Theo TTCN)