Tác giả kịch bản VN chưa tự thân sáng tạo

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Tác giả kịch bản VN chưa tự thân sáng tạo

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:39

"Shakespeare sáng tác Hamlet, Othello... mà không được trả một xu nhuận bút. Viết xong Tấn trò đời, Banzac chết trong nghèo đói. Tiền bạc không quyết định chất lượng cho sự sáng tạo, điều quan trọng là người viết phải có ý thức vượt qua nếp tư duy cũ", ông Văn Sử, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhận định.

Theo ông Văn Sử, lớp tác giả như Nguyễn Anh Biên, Hoài Giao, Sĩ Hanh, Trần Bảng... đều đã rửa tay gác bút vì tuổi cao, thảng có đôi ba sáng tác mới nhưng thường là cái sau không vượt nổi cái trước, bởi họ chỉ quen với một lối tư duy. Ví dụ vở Ngôi sao lạc trời (sẽ được công diễn trên sân khấu kịch Hà Nội tối 17-18/5) từ cách khai thác đề tài đến cách sử dụng chất liệu thì vẫn na ná giống Mùa hoa sữa, viết cách đó khá lâu. Trong khi đó, đội ngũ những cây viết trẻ thì chỉ mong gặt hái ở các liên hoan, hội diễn. Bởi thế, để kịch bản được dựng, đồng nghĩa với việc có thu nhập, họ buộc phải viết theo đơn đặt hàng chứ không phải do tự thân nhu cầu sáng tác.

Cũng theo ông Sử, hằng năm Bộ VH-TT, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn đều đặn tổ chức hội trại sáng tác và rót kinh phí đầu tư cho các tác giả. Thế nhưng, kết quả của các chuyến thực tế ấy lại là những kịch bản ít được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. "Phần đông các nhà văn, nhà viết kịch của chúng ta đã quen nhìn nhận hội trại sáng tác là chỗ để chén tạc chén thù hơn là lao động nghệ thuật", ông nói.

Bên cạnh đó, cơ chế bao cấp và bầu không khí thiếu cạnh tranh giữa các tác giả kịch bản, các đoàn nghệ thuật là nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ trong sáng tác. "Trên thế giới, các nhà hát lớn thường phải tự bươn chải với kinh tế thị trường. Còn ở VN, 12 nhà hát không đỏ đèn thì đạo diễn, diễn viên vẫn ăn lương. Sự thực là các nhà văn VN chưa ý thức được nhu cầu viết", ông Sử nói.

TS Đình Quang thì cho rằng, các kịch bản, kể cả kịch bản được nhiều đoàn dựng nhất, có thể có ý tưởng xã hội nhưng lại thiếu ý tưởng nhân văn và triết học, ngôn ngữ kịch nghèo, không tạo được đất diễn cho diễn viên. Rất nhiều kịch bản hiện nay đầy chất phóng sự nhưng chưa nâng được lên tầm tư tưởng, ví dụ vở Vú cát giành Huy chương Vàng, được cả 3 đoàn nghệ thuật dựng cùng lúc và cùng đem đến Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung vào 5-13/5 vừa qua.

Còn các vở hài kịch thì lại đậm chất hoạt náo. Diễn viên chủ yếu dùng các động tác hình thể để chọc cười khán giả khiến chủ đề vở diễn bị nhòa đi. Theo TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái, ngay cả những vở diễn ăn khách nhất hiện nay như hài kịch Đời cười 4 của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng không nói lên được sự sáng tạo trong tư duy của người viết kịch. Nguyên nhân là "nhiều tác giả kịch bản hiện nay đã mòn mỏi đi, cạn cả vốn lẫn cảm hứng", bà Thái nhận xét.

Mặt khác, sân khấu VN thực chất vẫn là sân khấu tả thực chứ chưa tạo được nhiều trường phái như tự sự Becton Brech, hiện thực Tsekhop, phi lý Ionésco... vì các nhà viết kịch, đạo diễn chưa quen với những tiếng nói khác, lạ. Hơn nữa, theo ông Sử, sự đồng điệu giữa người viết và người xem ngày càng mất đi. Nếu như trước đây sân khấu nhằm phục vụ lớp người xem là công nhân, bộ đội, thì nay là thương nhân, trí thức, sinh viên trong khi kịch bản vẫn cũ. Bộ phận khán giả bị phân hóa với nhiều trình độ, nhận thức khác nhau. Điều này đòi hỏi mỗi nhà viết kịch phải có ý thức tiếp thị kịch bản của mình cho một loại đối tượng nhất định.

Hiền Hòa

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến113 khách


cron