Những phát hiện về vạn vật và con người (phần 4)

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ

Những phát hiện về vạn vật và con người (phần 4)

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:40

...Có lẽ tuần lễ là một trong những nhóm đơn vị thời gian nhân tạo có sớm nhất trong lịch sử. Tuần lễ không phải là một sáng tạo của phương Tây, cũng không phải ở đâu tuần lễ cũng gồm 7 ngày. Trên khắp thế giới, người ta thấy có ít nhất là 15 kiểu tuần lễ khác nhau, với những tập hợp từ 5 đến 10 ngày...

Chương 2 - Tuần lễ: ngưỡng cửa khoa học

Bao lâu con người còn đánh dấu đời sống mình bằng những chu kỳ của thiên nhiên - các mùa đắp đổi, trăng non hay trăng tròn - thì con người vẫn còn bị thiên nhiên giam hãm. Nếu con người muốn tự lập và đổi mới thế giới bằng những sáng tạo của mình, họ cần phải có cách đo lường thời gian riêng của mình. Và những chu kỳ nhân tạo này sẽ trở nên đa dạng một cách kỳ diệu.

Có lẽ tuần lễ là một trong những nhóm đơn vị thời gian nhân tạo có sớm nhất trong lịch sử. Tuần lễ không phải là một sáng tạo của phương Tây, cũng không phải ở đâu tuần lễ cũng gồm 7 ngày. Trên khắp thế giới, người ta thấy có ít nhất là 15 kiểu tuần lễ khác nhau, với những tập hợp từ 5 đến 10 ngày. Kiểu tuần lễ được sử dụng phổ biến nhất không phải một tập hợp số ngày đặc biệt nào, mà là do nhu cầu và ước muốn có một tập hợp nào đó mà thôi. Con người có một ước muốn mãnh liệt và thúc bách xử lý thời gian, sử dụng nó cho lợi ích của mình nhiều hơn những gì thiên nhiên cống hiến.

Tuần lễ bảy ngày phổ biến hiện nay bắt nguồn từ nhu cầu và sự thỏa thuận chung của người ta, chứ không phải do pháp chế của một nhà nước nào. Nó đã xảy ra thế nào? Tại sao? Khi nào?

Tại sao tuần lễ lại là 7 ngày?

Người Hy Lạp cổ hình như không có tuần lễ. Người Rôma sống theo tuần lễ 8 ngày. Các nông dân làm việc ở đồng ruộng 7 ngày và ra thành phố ngày thứ 8 - ngày chợ phiên. Đây là một ngày nghỉ ngơi và giải trí. Không rõ tại sao người Rôma ấn định tuần lễ 8 ngày và tại sao cuối cùng họ đã đổi thành 7 ngày. Con số 7 có một sức lôi cuốn kỳ bí hầu như ở khắp nơi. Người Nhật cho rằng có 7 vị thần hạnh phúc, thành Rôma được xây trên 7 ngọn đồi, người cổ đại kể ra 7 kỳ quan của thế giới và các Kitô hữu thời Trung Cổ liệt kê ra 7 mối tội đầu. Hình như không có văn bản chính thức nào của chính quyền Rôma để thay đổi tuần lễ từ 8 sang 7 ngày. Người Rôma đã sống theo tuần lễ 7 ngày ngay từ đầu thế kỷ 3 sau C.N.

Chắc hẳn phải có những ý tưởng mới phổ biến nào đó về tuần lễ bảy ngày. Một ý tưởng nổi bật là về ngày Sabát, hình như từ Do Thái du nhập vào Rôma. Giới răn thứ hai truyền dạy, "Ngươi hãy nhớ ngày Sabát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi; ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh". (Xuất Hành 20, 8-11). Mỗi tuần lễ đều tái diễn lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa nơi tạo vật của Người. Người Do Thái cũng dùng tuần lễ để kỷ niệm cuộc giải phóng của họ khỏi cảnh nô lệ. "Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dùng cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabát". (Đệ Nhị Luật 5, 15). Khi người Do Thái tuân giữ ngày sabát, họ liên tục tái thể hiện chất lượng thế giới của họ.

Cũng còn có những lý do khác cho việc nghỉ ngày thứ bảy, như nhu cầu bồi dưỡng thể xác và tinh thần của con người. Ý tưởng này đã có từ thời dân Do Thái lưu đày bên Babylon. Người Babylon kiêng một số ngày nào đó trong tháng, đó là các ngày 7, 14, 19, 21 và 28. Trong những ngày này, vua của họ không được làm một số hoạt động nào đó.

Chúng ta còn có một gợi ý khác về tên gọi của ngày thứ bảy. Đối với người Rôma, ngày của thần Saturn, hay Saturday, là một ngày của điềm gở, mọi công việc đều trục trặc, vì thế không nên giao chiến, cũng không nên đi lại trong ngày này. Người thận trọng không ai muốn gặp những rủi ro do Saturn đem đến. Theo sử gia Tacitusm, ngày thứ bảy được cử hành để kính thần Saturn vì "trong bảy ngôi sao chi phối công việc của loài người, Saturn (sao Thổ) có địa vị và quyền năng cao nhất".

Từ thế kỷ 3, tuần lễ 7 ngày đã phổ biến khắp đế quốc Rôma và mỗi ngày được dành để kính một trong 7 hành tinh. Theo khoa thiên văn thời đó, 7 hành tinh này gồm cả mặt trời và mặt trăng, nhưng không gồm trái đất. Thứ tự mà các hành tinh chi phối các ngày trong tuần là: Mặt trời (Sun), Mặt trăng (Moon), sao Hỏa (Mars), sao Thủy (Mercury), sao Mộc (Jupiter), sao Kim (Venus) và sao Thổ (Saturn).

Chúng ta ngày nay dễ quên rằng nguồn gốc tên gọi của các ngày trong tuần thực sự là từ tên những "hành tinh" được biết đến ở Rôma hai ngàn năm trước đây. Theo quan niệm thời đó, những hành tinh này tác động trực tiếp tới đời sống mỗi ngày trong tuần của chúng ta. Trong các ngôn ngữ châu Âu ngày nay, tên các ngày trong tuần vẫn còn được gọi theo tên của các hành tinh.

Còn tiếp

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Khoa học - Công nghệ

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến157 khách


cron