Hôm qua, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã họp phiên đầu tiên nhằm thống nhất cách đánh giá các sản phẩm tham dự năm nay. Theo đó, thứ tự thang điểm là: tính sáng tạo - 35 điểm, tính thực tế - 30 điểm, độ khó - 20 điểm, thẩm mỹ giao diện - 10 điểm, tài liệu thuyết minh - 5 điểm.
Các giám khảo cũng yêu cầu các thí sinh phải cung cấp nguồn tài liệu, trích dẫn tham khảo rõ ràng, tránh việc biến các mã nguồn mở thành "phát kiến khoa học". Để đánh giá khách quan, sát thực và chính xác hơn cho các sản phẩm vào chung khảo, Hội đồng giám khảo yêu cầu Ban tổ chức tạo điều kiện mời các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mà sản phẩm đề cập tham gia vào buổi bảo vệ chung khảo.
Tiến sĩ Bùi Quang Ngọc, Phó giám đốc công ty FPT, đại diện Ban tổ chức, đã cam kết tạo mọi điều kiện để Hội đồng giám khảo làm việc một cách độc lập khách quan và trung thực.
Đến hôm qua, Ban tổ chức đã nhận được 75 đề tài dự thi trong đó có một sản phẩm từ Singapore. Tuy số lượng này mới chỉ bằng một nửa so với năm ngoái nhưng chất lượng đồng đều hơn, độ hoàn thiện cao hơn. Một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp rõ rệt. Vì hạn nộp bài là 17h ngày 5/11 (đối với các sản phẩm nộp trực tiếp) và theo dấu bưu điện ngày 5/11 (đối với các sản phẩm gửi qua bưu điện) nên phải đến 10/11 ban tổ chức mới có thông báo đầy đủ về số sản phẩm dự thi năm nay.
Từ ngày 8 đến 19/11, Hội đồng sơ khảo do tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đứng đầu sẽ làm việc riêng rẽ tại Hà Nội và TP HCM để sơ tuyển khoảng 40 sản phẩm lọt vào sơ khảo vòng hai. Toàn bộ các giám khảo sơ khảo sẽ tập trung tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/11 để chọn ra 15 sản phẩm cho vòng chung khảo. Dự kiến, tác giả các sản phẩm lọt vào vòng chung khảo sẽ bảo vệ sản phẩm của mình trong ngày 30/12 tại Hà Nội.
Kết quả cuộc thi sẽ được giữ bí mật và chỉ được công bố tại lễ trao giải tổ chức tối 1/1/2005 tại trường quay S9 Đài truyền hình VN và phát sóng trực tiếp trên VTV3.
Lao Động