Về vấn đề tài trợ cho sáng tác, tuy các đại biểu tham dự Đại hội Nhà văn VN lần 7 (23-25/4) có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số đều mong mỏi nguồn vốn đầu tư được tưới đúng chỗ và đúng lúc, để các nhà văn có điều kiện sáng tạo nên những tác phẩm hay. Dưới đây là một vài ý kiến.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: "Nhìn điện ảnh đổ tiền vào làm phim Chiến dịch Điện Biên Phủ tốn hàng tỷ đồng mới thấy trong văn học chưa thể gọi là đầu tư. Tài trợ quá mỏng nên nhà văn khó cảm nhận được sự đỡ đầu từ bên ngoài. Người sáng tác vẫn phải tự bỏ tiền túi của mình ra để in thơ và chắc cũng ít nhà văn chờ cảm hứng cất lên từ những đồng tiền ít ỏi dành cho sáng tác. Cái cần hơn với người viết là sự tự do trong sáng tác, không phải e cái nọ sợ cái kia. Sáng tạo theo nội lực của chính mình, khi ấy chúng ta sẽ có những tác phẩm đích thực".
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, thành viên Ban chấp hành Hội nhà văn khóa 6: "Sự đầu tư trong văn học là nên có, nhưng từ trước đến nay Hội đã quen với việc làm đại trà. Nhà văn cứ có đề cương, chưa biết nhào nặn nó như thế nào đã xin cấp vài triệu đồng rồi sau đó không biết tác phẩm vuông tròn ra sao. Những người có trách nhiệm sẽ phải thẩm định các tác phẩm đáng được tài trợ để tránh tình trạng chia đều, đầu tư vương vãi không thoả đáng. Và có thực tế là các chi hội nhà văn được thành lập ở các tỉnh, nhưng quỹ hoàn toàn không có, những người chịu trách nhiệm phải tự chèo lái. Hội không có tiền thì làm sao tính chuyện đầu tư, tìm đâu những tác phẩm hay?".
Nhà văn Vũ Bão: "Tác phẩm hay ra đời không cần một đồng tiền đầu tư sáng tác nào cả. Nhà văn cầm bút viết là do nhu cầu thúc bách phản ánh hiện thực xã hội rộng lớn. Nếu chỉ chăm chăm vào việc mình được gì thì sẽ không có tác phẩm lớn. Nghệ thuật không có chỗ cho sự chia đều, đầu tư mà đồng nghĩa với việc phân bố đều là giết chết sự sáng tạo. Thay vào việc cấp vài triệu cho đề cương nọ, dự án kia, Hội hãy làm những việc thiết thực hơn như trợ giá sách hay làm công việc giới thiệu sách của nhà văn đến với công chúng".
Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: "Khi người viết có nhu cầu cầm bút, họ sẽ không chờ đợi bất cứ một sự giúp đỡ nào về mặt tài chính. Sự đầu tư của Hội nên dành cho những chiến lược lâu dài và bền vững như bồi dưỡng đào tạo các cây bút trẻ. Quan niệm các nhà văn vào Hội để chia nhau đồng tiền sáng tác là sai lầm, có những tác phẩm lớn không phải viết bằng những đồng tiền sáng tác. Yếu tố quyết định tác phẩm hay chỉ có thể là tài và tâm của nhà văn".
Nhà văn Chu Lai: "Đầu tư cho văn học là chất xúc tác để nhà văn yên tâm sáng tác. Tuy nhiên, đã đầu tư thì phải chọn mặt gửi vàng, đầu tư có trọng điểm. Cũng như việc trồng trọt, phải chắc mảnh đất nào canh tác tốt thì mới gieo mầm. Chứ làm theo kiểu tưới nước ra ruộng thì chẳng có lợi cho ai cả. Cũng có nhà văn không cần đầu tư vật chất, cái họ muốn là những cú hích về tinh thần để có cảm hứng cho ra đời những tác phẩm hay. Tóm lại, cách cho tiền quan trọng hơn giá trị tiền".
Hà Anh - Ý Phương thực hiện