Đó là lời phát biểu của GS-TS Trần Văn Khê dành cho vở kịch thể nghiệm của Nhà hát kịch TP HCM. Đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về công trình nghệ thuật này của đạo diễn Lê Quý Dương, nhưng tất cả đều thừa nhận 2 điều: sáng tạo và độc đáo.
Sau 3 tháng tập luyện, trong buổi ra mắt vào đêm 14/4, lượng khách chỉ đạt hơn phân nửa tổng số ghế ngồi của nhà hát thành phố, số đông lại là người nước ngoài. Nhận định chung của dư luận là giá vé cao ngất trời, diễn xuất của diễn viên còn non và nội dung nặng nề, khó hiểu. Tuy nhiên, gặp gỡ báo giới sau đêm diễn thứ 2, Giám đốc Nhà hát kịch TP HCM Lê Khánh Hoàng nở nụ cười mãn nguyện và tự tin về con đường đã lựa chọn. Còn đạo diễn Lê Quý Dương trào nước mắt khi nghe câu nói về mình từ GS-TS Trần Văn Khê: "Người thanh niên này đã mang những điều học được từ khắp thế giới để vun đắp cho văn hóa Việt Nam một cách thật nhuần nhuyễn".
Hình ảnh giới thiệu vở Huyền thoại cuộc sống. |
Nhà hát kịch TP HCM bắt đầu dựng vở thể nghiệm này khi biên chế chỉ còn lại 3 diễn viên. Giám đốc Khánh Hoàng thú nhận: "Nhà hát cần một vở có tầm vóc xứng với bề dày hơn 30 năm thành lập nhưng không có nhiều tiền". Tác giả, đạo diễn Quý Dương, người vừa trở về từ Hollywood, hứa với Khánh Hoàng sẽ "làm tiết kiệm tối đa" và bản thân anh "chỉ cần đủ tiền sống tại Việt Nam trong khoảng thời gian dàn dựng vở". Vậy là, họ đã bắt tay nhau để làm nên Huyền thoại cuộc sống theo đúng kiểu một vở kịch mang phong cách quốc tế. Quý Dương đã kết hợp những yếu tố truyền thống của Việt Nam như dàn trống của nghệ sĩ Nhứt Dũng, múa của nghệ sĩ Thu Vân, hóa trang của nghệ sĩ Xuân Chính và phục trang của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Vở kịch đã hoàn thành với kinh phí vỏn vẹn 150 triệu đồng, trong khi ước tính ban đầu lên đến 800 triệu đồng.
Kịch nhưng không chỉ thể hiện bằng đài từ, diễn xuất của diễn viên mà còn bằng múa, bằng trống, bằng nhạc. "Có thể những điều này còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng cần được nhìn nhận như một sự thể nghiệm tích cực. Có như vậy thì kịch của chúng ta mới có thể hòa nhập vào xu thế chung của kịch thế giới", GS - TS Trần Văn Khê nhận định. Ông Trần Văn Thành, Viện phó Viện nghiên cứu sân khấu Việt Nam, cũng đồng quan điểm: "Về mô-típ thì quả thật không có gì mới, vẫn là câu chuyện của bộ ba: cô gái, tráng sĩ, ác quỷ và cuối cùng là cái thiện chiến thắng cái ác. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là có nhiều nét nổi bật trong cách thể hiện. Thật tình chúng ta nên thay đổi cách nhìn đơn giản là đi xem kịch chỉ xem cốt truyện và nghe lời thoại".
Chưa hết bất ngờ về sự đa dạng trong hình thức nghệ thuật, người xem lại bắt gặp những nhân vật không có tên, những khuôn mặt được tô vẽ đầy hình tượng theo đúng tính cách mỗi người, sân khấu được dựng với 3 màn hình thể hiện những hình ảnh đầy tính thời sự: chiến tranh, xung đột tôn giáo, nạn nhân chất độc da cam... bằng ngôn ngữ điện ảnh. Ông Khánh Hoàng thẳng thắn: "Nhiều khán giả nhận xét là xem rất khó hiểu, nặng nề nhưng tôi nghĩ đó mới chính là thành công của vở diễn. Chủ đích của chúng tôi là muốn người xem phải nghiền ngẫm, suy tư những gì mà họ cảm nhận từ vấn đề được đặt ra, chứ không hiểu thấu một cách dễ dàng".
Huyền thoại cuộc sống được trình diễn với một dàn diễn viên mới toanh về nghề, ngoại trừ Kim Khánh, Mỹ Uyên và Minh "Béo" trong những vai phụ. Đạo diễn Quý Dương tâm sự: "Chúng tôi không chủ đích mời những ngôi sao, nếu người ta đến xem chỉ vì tên tuổi của diễn viên thì coi như là vở diễn không thành công. Những diễn viên trẻ trong vở này đã làm việc bằng tất cả năng lực và lòng đam mê của mình, tôi rất hài lòng về thái độ làm việc của họ". "Với tư cách một diễn viên, tôi cũng phải thừa nhận diễn viên của chúng ta rất hiếm người thể hiện được nhiều hình thức nghệ thuật. Trong khi để tham gia vở này, người diễn viên phải có đủ khả năng về múa, trống, nhạc, hình thể và quan trọng là tính chịu khó", ông Khánh Hoàng tiếp lời.
Nằm trong chiến lược lâu dài của Nhà hát kịch TP HCM, những diễn viên bắt đầu cộng tác trong Huyền thoại cuộc sống sẽ theo tiếp chương trình đào tạo chính quy của nhà hát. Lê Quý Dương cho hay: "Họ sẽ được biết tất cả quy trình làm việc để hiểu rằng vở kịch là một công trình của tập thể và thành phần đóng góp nào cũng quan trọng như nhau".
Diễn viên Mai Mai - giải nhất cuộc thi Triển vọng điện ảnh 2004, vai chính của vở Huyền thoại cuộc sống. |
"Theo nhận xét của NSND Lê Khanh, sân khấu của chúng ta đã cũ đến nỗi không thể cũ hơn. Có thể hướng đi của Huyền thoại cuộc sống và Nhà hát kịch TP HCM chưa được cảm nhận một cách đầy đủ, nhưng chúng ta rất cần những sự thể nghiệm, tìm tòi cái mới như vậy thì mới có thể bước đi xa hơn trong tương lai", cô Đỗ Hương, giảng viên trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, nhận xét sau khi xem lần thứ 2 vở diễn này.
Tiến sĩ Stephen Henningham, Tông lanh sư Australia, cũng bày tỏ: Đây la môt vi du tiêu biêu cho nhưng chương trinh văn hoa co kha năng phat triên cac môi liên hê bên vưng giưa ngươi dân Viêt Nam va Australia. Chung tôi hy vong răng, vơ kich nay se khuyên khich thêm nhiêu sư hơp tac giưa cac tô chưc nghê thuât va cac nghê si sân khâu cua hai quốc gia.
Hiện Nhà hát kịch TP HCM đang hoàn thành hơn 30 bộ hồ sơ để giới thiệu Huyền thoại cuộc sống cùng bạn bè trên khắp thế giới. Sắp tới, vở kịch này sẽ đại diện cho Việt Nam lên đường tham gia một số festival kịch quốc tế.
Đỗ Duy