Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước G7, sáng chế có thể được coi là một nghề, thậm chí là nghề làm giàu. Người Việt Nam chúng ta có tiềm năng sáng tạo rất cao. Tuy nhiên, để có nhiều sáng chế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công cuộc phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Người gửi: Đức Hoàng, 220.231.121.223
Gửi tới: Ban Khoa học
Tiêu đề: Vài lời muốn chia sẻ với các bạn về Sáng chế
Đọc qua một số thông tin về sáng chế và các bài bình luận của các bạn, thực sự tôi cảm thấy rất mừng. Mừng vì tiềm năng sáng tạo của người Việt nam chúng ta đang được khơi dậy, đang được phát triển, vì gần đây đã có rất nhiều các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nảy sinh trong quá trình lao động (như máy bơm chạy bằng sức nước của thầy Huân, máy dệt của anh Ba Long, máy bay của anh Hai lúa, máy cắt hành của bác Sành, máy phun nước bán tự động của anh Khách, công nghệ nấu bột giấy của bác Toàn, máy tuốt bắp của anh Ha Tang...), và cũng đã có rất nhiều bài bình luận quan tâm tới vấn đề này như của các anh Nguyên, anh Hùng, anh Phong, anh Đại, anh Thắng... Qua đó, ta có thể thấy người Việt chúng ta đang khao khát sáng tạo như thế nào.
Là một người đã từng có giải pháp kỹ thuật được cấp bằng sáng chế, tôi xin có vài lời chia sẻ với các bạn như sau:
Về vấn đề sáng tạo, chúng ta biết rằng sự sáng tạo chỉ nảy sinh trong quá trình lao động, và chỉ có những người lao động thực sự thì mới có sáng tạo. Chúng ta ai cũng phải lao động, từ bác nông dân, thậm chí bác đạp xích lô, đến các nhà khoa học lỗi lạc v.v.., do đó ai cũng có quyền sáng tạo, sáng tạo không giới hạn về lứa tuổi, về trình độ, về giới tính, về lĩnh vực v.v.. để không ngừng cải tiến kỹ thuật và ngày càng hoàn thiện hơn các sự vật, hiện tượng xung quanh mình.
Tuy nhiên, bất cứ hành vi nào cũng phải có giới hạn và quy định của nó. Ở đây tôi muốn nói đến khía cạnh pháp lý của các sáng tạo, hay cụ thể hơn là quyền Sở hữu trí tuệ đối với các sáng tạo, được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật về Sở hữu trí tuệ hiện hành ở Việt nam.
Thứ nhất, ta phải hiểu thế nào là sáng chế/giải pháp hữu ích. Theo luật Việt Nam, một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế nếu nó đáp ứng tiêu chuẩn TÍNH MỚI so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có TÍNH SÁNG TẠO và có khả năng ÁP DỤNG CÔNG NGHIỆP. Nếu giải pháp kỹ thuật chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp, nhưng không có tính sáng tạo thì chỉ được bảo hộ là giải pháp hữu ích.
Thứ hai, ta phải hiểu các hành vi nào bị coi là xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế/giải pháp hữu ích của người khác. Theo luật Việt Nam, các hành vi sau đây bị coi là vi phạm:
i) sản xuất sản phẩm mà sản phẩm đó đã được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích ở Việt nam;
ii) áp dụng phương pháp hoặc quy trình mà đã được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích ở Việt nam;
iii) sử dụng, nhập khẩu, quảng cáo, lưu thông, tàng trữ để bán. sản phẩm đã được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình đã được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích ở Việt nam.
Thứ ba, các nhà sáng chế được hưởng các quyền và lợi ích gì khi sáng chế/giải pháp hữu ích của họ đã được pháp luật bảo hộ (cụ thể là đã được cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích):
i) nếu tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích đồng thời là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, thì họ được độc quyền khai thác, sử dụng nó trong vòng 20 năm, được quyền chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu cho người khác, được quyền thừa kế cho người khác, được quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý người nào xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích của mình;
ii) nếu tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích không đồng thời là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, thì họ chỉ được hưởng thù lao từ việc khai thác, sử dụng nó (khoảng 10% số tiền lợi thu được hàng năm từ việc sử dụng), được ghi tên mình là tác giả trong bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, và được quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quyền của mình.
Như vậy, mọi sự sáng tạo của các bác nông dân, các nhà khoa học của chúng ta, từ công nghệ thấp low-tech như máy bơm nước, máy dệt, máy bóc hành, máy ấp trứng v.v.. đến công nghệ cao high-tech như công nghệ nano, vi điện tử, cơ điện tử, công nghệ sinh học v.v đều rất đáng trân trọng, đáng khuyến khích, đáng biểu dương. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng phát kiến của mình, theo tôi, các nhà sáng chế cần lưu tâm tới các vấn đề sau:
- Cần xem xét xem ý tưởng sáng tạo của mình đã có ai thực hiện chưa, nếu có thì đã được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích ở Việt nam chưa, bằng cách tra cứu thông tin tại Cục Sở hữu trí tuệ, thông qua dịch vụ của Cục, các Sở Khoa học Công nghệ hoặc các Văn phòng luật sư chuyên về Sở hữu trí tuệ. Cần lưu ý rằng kho thông tin tư liệu sáng chế/giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ là cập nhật đầy đủ nhất, mới nhất về tình trạng kỹ thuật hiện tại của tất cả các loại thiết bị, máy móc, chất, hợp chất, phương pháp hoặc quy trình sản xuất v.v..
- Nếu ý tưởng của mình đã có người thực hiện rồi, và đã được bảo hộ ở Việt Nam rồi, thì tốt nhất bạn không nên thực hiện ý tưởng đó nữa, mà trên cơ sở đó hãy tiếp tục phát triển ý tưởng ở mức cao hơn để cải tiến chính những khiếm khuyết trong ý tưởng cũ của bạn mà quyền sở hữu trí tuệ đã thuộc về người khác.
- Nếu ý tưởng của mình chưa có ai thực hiện trên thế giới, thì trước tiên cần xem xét khả năng ứng dụng và khai thác thương mại của ý tưởng đó, nếu có khả năng thì điều đầu tiên bạn cần phải làm là Đăng ký bảo hộ độc quyền để tránh bị ăn cắp. Thủ tục bảo hộ cũng rất đơn giản, bạn có thể đăng ký trực tiếp với Cục Sở hữu trí tuệ hoặc thông qua dịch vụ của các Văn phòng luật sư chuyên về vấn đề này.
- Nếu ý tưởng của mình không có tính thực tiễn và tính thương mại cao, thì tốt nhất bạn đừng nên theo đuổi nó nữa, mà hãy tập trung sức lực và tiền bạc cho những ý tưởng khác thực tế hơn.
Nếu các nhà sáng chế không lưu tâm tới các vấn đề trên, thì sự nhiệt tình sáng tạo của họ sẽ vô tình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác, hoặc vô tình trở thành một sản phẩm thiếu thực tiễn, đi mây về gió như rất nhiều các công trình khoa học của chúng ta đang bị xếp đống, hoặc vô tình tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức, thậm trí cả một đời người, cho một công trình mà đã có người khác làm.
Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước G7, sáng chế có thể được coi là một nghề, và rất nhiều nhà sáng chế đã thu đươc rất nhiều lợi nhuận và làm giàu từ những sáng tạo của mình, thậm trí có những nhà sáng chế mới chỉ ở lứa tuổi U10. Người Việt nam chúng ta có chỉ số thông minh rất cao, tiềm năng sáng tạo cũng rất cao, và khả năng các nhà sáng tạo trở thành các nhà sáng chế cũng rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công cuộc phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện hơn nữa hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư nhiều cơ sở vật chất hơn nữa cho các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất thực nghiệm để mọi người dân đều có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình, làm giàu cho bản thân và cho đất nước.