Các toa tàu biến thành nơi làm việc của những người trong ngành sáng tạo ở Shoreditch, London |
Chuyến đi của các đại diện của VN đến Bandung là một trong nhiều sáng kiến của Hội đồng Anh nhằm tạo mạng lưới của những người hoạt động trong lĩnh vực được coi là ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia. Tham gia chuyến đi gồm bốn gương mặt của các lĩnh vực quảng cáo, âm nhạc, thời trang và truyền thông tại VN. Khi trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông John Newbigin cho biết 40% GDP của London là từ các ngành công nghiệp sáng tạo.
Một chỉ số phát triển
John Howkin đưa ra các quy tắc thành công cho việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó có: - Phát minh - hãy độc đáo. - Sở hữu các sáng kiến của mình, hiểu về bản quyền và bằng sáng chế. - Biết khi nào thì làm việc một mình, khi nào làm việc tập thể. - Học tập không ngừng. Vay mượn, tái sáng kiến và tái sử dụng. - Khai thác sự nổi tiếng và những ngôi sao. - Biết khi nào thì phá vỡ các nguyên tắc. |
Đề cập các bước phát triển kinh tế sáng tạo, John Newbigin chia sẻ: “Giáo dục là mấu chốt và liên kết là bí quyết. Sự liên thông giữa các đơn vị giáo dục và các tổ chức kinh doanh để hỗ trợ thế hệ trẻ sáng tạo và ngành công nghiệp sáng tạo”.
Ông cho biết ở Anh có sự liên hệ chặt chẽ giữa các trường học, các thị trường lao động và các yêu cầu kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động đó. Vì điều này có nghĩa lực lượng lao động địa phương sẽ trở nên có nhiều kỹ năng hơn ở những lĩnh vực mà thị trường đòi hỏi. Nếu trường học có quan hệ tốt với các doanh nghiệp, các bên đều được lợi vì họ có được những con người đúng chuẩn chất mà họ cần. Một trong những lý do giúp Scotland trở thành một trong những trung tâm thế giới về game online là các trường học ở đất nước này nổi tiếng về môn đồ họa, hoạt hình. Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp đã trực tiếp tiếp cận với các trường, đưa ra yêu cầu cụ thể về nhân lực. “Nếu không có liên thông này, chắc chắn Scotland không tạo được vị trí thành công của mình về game online như hiện nay” - ông nói.
Bán sáng tạo để thu hút sáng tạo
Đoàn đại biểu đến từ Philippines đã khiến hội thảo đặc biệt quan tâm qua tham vọng biến Cebu, một hòn đảo du lịch nổi tiếng của đất nước này, thành “cái nôi của các ngành công nghiệp sáng tạo”. Nhóm thực hiện dự án phát triển “Cebu sáng tạo” - do bà Nelia V.Flores-Navarro, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Cebu, đứng đầu - đã thực hiện xong việc kết nối các ngành nghề, các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực này. Để từ đó Cebu định ra đường hướng phát triển tiếp theo. |
Ở Anh, các ngành sáng tạo và văn hóa đã góp phần chính vào sự phát triển kinh tế của London, kích thích những sáng kiến và thỏa mãn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng đa dạng. John Newbigin cho biết: từ năm 1995-2000, 40% các công việc sáng tạo mới ở Anh đã được tạo ra ở London, 33% các ngành sáng tạo ở Anh được đặt tại London và lĩnh vực này đóng góp 21 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế London.
Lĩnh vực sáng tạo là lĩnh vực lớn thứ ba ở London, đem lại việc làm cho 624.000 người, trong đó cả những người có công ty riêng (theo London’s core business - 2004 update).
Các ngành nghề sáng tạo hình thành một thành phố sáng tạo, một đất nước sáng tạo. Nhấn mạnh sự tương tác như lực hút có lợi giữa thành phố sáng tạo và con người sáng tạo, Charles Landry - từng là cố vấn sáng tạo cho nhiều thành phố lớn như Adelaide (Úc), Kyoto (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) - cho biết: hiện nay trên thế giới 64% lao động có xu hướng chọn thành phố để đến làm việc, trước khi chọn công ty và công việc. Điều này khác hẳn với 15 năm trước đây, khi 80% chọn công ty và công việc trước khi chọn thành phố. Như vậy, muốn cạnh tranh với các thành phố khác, thu hút nhân tài thì thành phố đó phải “đáng yêu” để nhân tài “bị dính chặt” vào thành phố đó.
“Nếu thành phố đó cung cấp đủ không gian sáng tạo cho con người thì sẽ thu hút được nhân tài từ khắp nơi, không chỉ trong nước đó, mà là các nơi trên thế giới - ông nói - Ta cần phải thay đổi cách đặt vấn đề. Ta thường tính toán cái giá phải trả cho việc tạo ra môi trường sáng tạo, văn hóa, di sản, nghệ thuật, thiết kế..., mà không nghĩ đến giá phải trả cho việc không nghĩ tới môi trường đó.
Tương tự, người ta cũng thường không tính đến cái giá phải trả nếu không tạo một thành phố sáng tạo hay một môi trường sáng tạo cho con người làm việc, mà chỉ tính đến cái giá phải trả ra để tạo không gian đó”. Qua các nghiên cứu ở nhiều nơi, theo ông, các nhân tố thành công của một đô thị bao gồm tài năng, sáng tạo và cải tiến, sự kết nối và nét đặc trưng để phân biệt giữa các vùng miền, các cá nhân.
“Công nghiệp sáng tạo là sự kết nối giữa các lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ, đồ thủ công, thiết kế và thiết kế thời trang, phim ảnh, các phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền hình, phát thanh...”. Theo cuốn sách Sáng tạo Anh: những tài năng mới cho nền kinh tế mới của Bộ Văn hóa - thể thao và truyền thông Anh xuất bản tháng 2-2008. |
KHỔNG LOAN (Bandung, Indonesia)