Quản lý khoa học sao cho tốt hơn

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Quản lý khoa học sao cho tốt hơn

Gửi bàigửi bởi Zelda » 09 Tháng 9 2011, 14:44

(Dân trí) - Cơ chế quản lý và bộ máy quản lý có vai trò như người cầm lái con tàu khoa học.Con tàu đó đi đúng hướng hay chệch hướng, chạy nhanh hay chậm là do “người cầm lái”. Vấn đề là phải làm sao để quản lý khoa học cho tốt hơn.
 >>  Khoa học Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”
Giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học (ảnh: husc.edu.vn)
         

Lãng phí, thất thoát

 

Thực trạng này đã được phản ảnh qua nhiều ý kiến bạn đọc:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xn gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

 

An Hà:

 

Với cơ chế hiện nay, nói thực là chẳng ngành, lĩnh vực nào mà người lao động có đủ chữ "tâm huyết" với nghề cả. Hầu hết ai cũng "làm gì thì làm, miễn là có cơm áo gạo tiền". Hai chữ "tâm huyết" có chăng là ở các cụ hưu, không phải quá lo toan cuộc sống hàng ngày. Chứ như chúng tôi, làm nghiên cứu 3 năm, lương có 1,7 triệu với cuộc sống đắt đỏ này. Vậy thử hỏi không tìm đề tài thì chúng tôi tồn tại thế nào? Và tất nhiên điều chúng tôi quan tâm khi có đề tài về là "kinh phí bao nhiêu" vì thực tế sau khi trích nộp các khoản chỉ còn lại khoảng 15-20% tổng kinh phí được duyệt để mọi người hưởng công lao động. Còn "cơ chế" chia cái khoản được hưởng này nữa... Vì thế, tôi nghĩ những người cứ ngồi đó lên án cái chữ "tâm" của người khác thì cũng nên nhìn lại mình và nhìn lại xã hội...

    

Đào Quang Khải:

 

Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng nhiều đề tài KH được nghiệm thu, để rồi được...cất vào tủ là một sự lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Nên chăng Bộ KHCN tổ chức công khai, rộng rãi thẩm định lại chất lượng các đề tài đã nghiệm thu. Những đề tài đang trong thời gian thực hiện (đã được rót kinh phí xuống),  Bộ KHCN cần quan tâm kiểm tra tiến độ thực hiện. Khi  nghiệm thu phải được tổ chức công khai để đánh giá chính xác, khách quan kết quả nghiên cứu của tùng đề tài, kèm theo đó là kinh phí thực hiện đề tài chi tiêu như thế nào. Đành rằng nghiên cứu một đề tài đôi khi thất bại, nhưng nói chung cần thấy được kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được những gì? Có đóng góp được gì cho xã hội. Có những phát hiện gì mới?...Mong cơ quan quản lý, nhất là Bộ KHCN quản lý chặt chẽ chất lượng đề tài nghiên cứu. Đừng để tình trạng đề tài kém chất lượng vẫn được nghiệm thu, gây lãng phí tiền đóng góp thuế của người dân.

 

Khoa TD:

 

Tôi cũng là người làm khoa học tại Hà Nội nhưng phải thừa nhận là công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất đáng buồn. Có một hiện trạng là một số (tôi không nói là tất cả) các "GS, PGS, các nhà khoa học đầu ngành" quan hệ theo kiểu thông đồng với nhau để "tôi ngồi hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài của anh, anh ngồi hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài của tôi. Chúng ta cùng có đề tài mà!"…. Một phần lớn kinh phí phải "feedback" lại cơ quan quản lý, còn nội dung khoa học của "đề tài" thì rất kinh khủng, không áp dụng trong thực tiễn còn đỡ thiệt hại hơn cho xã hội. Mà những người này thường tự đắc cho mình là "quan hệ rộng", "có tài quản lý", thực ra họ chỉ tạo thành một nhóm lợi ích làm băng hoại nền khoa học vốn đã chậm phát triển của Việt Nam!

 

 Hoàng Chương:

 

Tôi cũng là một cán bộ khoa học đã nghỉ hưu. Trước đây tôi thường được mời tham gia phản biện nhiều đề tài, dự án và báo cáo khoa học. Vì sự trung thực nên tôi thấy thế nào nói thế đó, kèm các dẫn chứng nên thường được hoan nghênh. Nhưng thời gian qua các ý kiến phản biện phải là nói tốt thì mới được người ta cần, mà tôi thì không làm thế được nên đành bất lực ngồi chơi để thấy CÁI SAI LẦM GIẢ DỐI HOẶC THIẾU THỰC TẾ lên ngôi. Buồn thay cho khoa học hiện nay; bao giờ cho KHKT VN sánh được thế giới.

 

CTU:

 

Xã hội quá trọng bằng cấp tạo cơ hội cho những người có bằng giả hoặc thiếu động lực nghiên cứu làm quản lý khoa học. Tiền của nhà nước cho người tài đi học cũng để kiếm bằng cấp mang về để làm “quan”, thì lấy đâu ra người nghiên cứu nghiêm túc. Ở VN mình, cơ quan quản lý khoa học không mang nghĩa là thư kí trợ giúp, mà đang là 'ông vua' của lực lượng nghiên cứu. Hãy cởi trói cho khoa học bằng cách giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai trong các cơ quan khoa học để cho những người thật sự giỏi, có nhiều bài báo khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế, có quyền trong các quyết định nghiên cứu và đầu tư cho công tác của họ..
 
Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng trong các trường ĐH, CĐ (ảnh: gdtd.vn)

 

Cần thay đổi cơ chế quản lý

 

Tien Van:

 

Là một sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật, tôi thấy những "đề tài khoa học" đúng là đang phí phạm bao nhiêu chất xám và tiền của mà không không ứng dụng gì… Tôi xin đưa ra góp ý như sau. Thứ nhất: các đề tài được đăng ký sẽ cấp ngân sách theo các giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu được cấp vừa đủ để thực hiện đề tài, xem xét kỹ các loại máy móc cần mua có thực sự cần không để hạn chế ngân sách. Giai đoạn ứng dụng thực tế mới được cấp tiền thưởng cho người làm đề tài. Tính ứng dụng càng sát thực tế, thưởng càng cao. Như thế người làm đề tài sẽ phải làm tới khi ứng dụng mới có tiền. Thứ hai: có rất nhiều đề tài cấp bách nhà nước không nên chỉ giao cho một số trường, vịên nhất định nghiên cứu. Mà có thể lập 1 website công bố đề tài để nhiều đối tượng xã hội có thể tham gia nghiên cứu. Thực tế đã chứng minh nông dân cũng có thể làm được khoa học…

 

Nguyễn Vũ Lương:

 

Theo tôi, công ty chế tạo máy IDT (xem bài viết: “Chúng tôi làm khoa học để tạo ra sản phẩm”) là một ví dụ để Bộ KHCN có thể tham khảo nhằm thay đổi cơ chế hoạt động của các viện nghiên cứu hiện nay. Hãy mạnh dạn đưa phần lớn các trung tâm và các viện nghiên cứu ứng dụng thành những đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN. Nhà nước cấp kinh phí để đầu tư trang thiết bị nghiên cứu. Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất đặt hàng doanh nghiệp KHCN nghiên cứu chế tạo thiết bị, nghiên cứu các giải pháp công nghệ, để làm ra các sản phẩm có hàm lượng “chất xám” cao, thay thế hàng ngoại nhập và tăng thêm những sản phẩm xuất  khẩu có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đương nhiên là nhà nước và các doanh nghiệp đặt hàng phải đánh giá chặt chẽ sản phẩm nghiên cứu của nhà KH, đồng thời phải trả công xứng đáng cho họ. Làm như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh và như thế KHCN nước ta mới thực sự phát triển được.
 

Có cơ chế cũng như bộ máy quản lý là để giúp cho khoa học phát triển, vậy mà KHCN lại trong tình trạng trì trệ, không phát triển được thì phải xem lại cơ chế và bộ máy quản lý.
Nếu biết lắng nghe những ý kiến đóng góp của những người làm khoa học có tâm huyết và biết tổng kết những kinh nghiệm, những mô hình hoạt động có hiệu quả trong thực tiễn, chắc chắn các cơ quan có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này sẽ xác định được cơ chế quản lý thích hợp, sẽ xây dựng được bộ máy quản lý lành mạnh và hoạt động thật sự có hiệu quả.
Le Nhut:

 

Ngày nay các trường đại học bắt buộc cán bộ phải tham gia nghiên cứu khoa học(NCKH), đây là một trong những nhiệm vụ chính của cán bộ giảng dạy đại học. Song hãy thử kiểm tra lại xem có bao nhiêu giảng viên thực sự tham gia NCKH, nếu có thì có bao nhiêu đề tài đúng nghĩa là NCKH, theo tôi là có nhưng ít thôi. Điều đáng quan tâm hơn là đề tài NCKH đó  được dùng để trả nợ nhà nước là chính, ít có đề tài được triển khai và áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Thực tế còn lãng phí rất nhiều trong cái gọi là NCKH.

 

Trường hợp của Th.sĩ Nguyễn Đình Đầy, Giám đốc công ty máy IDT là một trường hợp khá đặc biệt … Những nhà lãnh đạo, nhà quản lý và những người làm NCKH cần quan tâm, suy nghĩ và trăn trở với những điều giám đốc IDT đặt ra. Để cho những người đam mê NCKH an tâm và tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng mới, nhằm góp phần thúc đẩy khoa học và kỹ thuật của đất nước luôn tiến bộ. Mọi người hãy làm  NCKH như đúng bản chất của nó vậy, không nên làm khoa học vì mục tiêu khác.

 

Nguyễn Cường:

 

Tôi cũng làm ở một doanh nghiệp sáng tạo ra các sản phẩm thông qua nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp của chúng tôi chuyên nghiên cứu sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông đặc thù, nghĩa là phục vụ các nhu cầu đặc biệt theo dự báo nhu cầu hoặc đặt hàng của khách hàng. Việc này đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của xã hội, tiết kiệm được cho đất nước nhiều ngoại tệ. Chúng tôi không trông chờ vào tài trợ của nhà nước thông qua các đề tài, dự án. Mà chủ động đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển để có được những sản phẩm có công nghệ và chất lượng (tương đối) cao, được thị trường chấp nhận. Chúng tôi cũng không quá kỳ vọng đạt được các giải thưởng, cúp vàng, huy chương...Theo tôi thị trường là ban giám khảo công minh nhất…

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến144 khách


cron