Đủ “chiêu” bịp người
Không khó để hỏi đường đến nhà “Đức Thánh Hai” Nguyễn Văn Phi. Từ trung tâm xã Hưng Phúc, hỏi bất kỳ một quán nước nào chúng tôi cũng được người dân chỉ dẫn nhiệt tình, thậm chí có người còn “bỏ nhỏ”: “Đừng gọi tên cúng cơm của ông ấy, phải gọi bằng Đức Thánh Hai ông ấy mới tiếp”.
Nhà “thánh” 2 tầng vật vã sơn màu xanh nổi bật giữa những căn nhà lúp xúp khác ở xóm 4, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ngay cổng vào là 2 con chó dữ được nhốt trong lồng sắt ngăn cách với khu vực đốt vàng mã bằng một bức tường. Toàn bộ 3 cái sân đều được lợp mái tôn, ngay trước sân là hai điện thờ to, một cái rộng thênh thang đặt 3 chiếc bàn thờ, một chiếc am lớn chất đầy lễ vật. Khói hương bốc lên nghi ngút trên cái bệ thờ chỉ cao hơn mặt sân chừng 10cm. Ngoài hoa quả và đủ loại nước giải khát, giữa bàn thờ là một miếng thịt bò đỏ bầm, ruồi muỗi bu đặc. Bên cạnh là một đống vàng mã lẫn với giấy gói hương và vỏ cam, vỏ quýt “thánh” vừa ăn xong “tiện thể” ném xuống.
“Thánh” ngồi chễm chệ trên chiếc ghế, một chân co lên tựa vào cạnh bàn. Một nhóm “con nhang” đã quỳ, ngồi trước mặt. Bà vợ của “Thánh” đeo đầy vàng, thấy chúng tôi liền hất hàm hỏi: “Đi mô đó?”. Biết chúng tôi đến “cầu cạnh” “Thánh” mà không mang theo lễ vật, bà ta lớn tiếng: “Vào cửa “Thánh” mà đi tay không rứa, “Thánh” không làm cho mô”. Nghe tiếng bà vợ, “Thánh” ngừng phán, ngẩng lên tuyên bố: “Không làm nữa. Từ sáng đến giờ mệt lắm rồi!”.
Bà vợ quảng cáo: “Thánh trước đây là chồng tôi, nhưng từ khi được Ngài nhập thì thành người nhà trời rồi, không còn quan hệ vợ chồng, cha con chi nữa. Ở đây cái chi “Thánh” cũng mần (làm- PV) được tất. Bệnh mô cần mổ thì “Thánh” không giúp được chứ còn các loại bệnh khác từ nhẹ đến nặng, cứ vào tay “Thánh” là không phải lo. Nhưng mà chưa chuẩn bị lễ thì về đi, khi khác đến”. “Thánh nói thế thôi nhưng cứ chịu khó ngồi mà đợi, tý nữa lên nói khó hôm nay chưa chuẩn bị lễ kịp, mai sắm lễ bù là “Thánh” đồng ý ngay thôi, chữa bệnh hay xem bói đều được”, một chị khoảng chừng 35 tuổi trấn an chúng tôi.
“Thánh” vẫn ngồi trịch thượng trên ghế, thỉnh thoảng nghiêng đầu xin “Ngài” gieo quẻ. 10 người quỳ phía dưới thì đến cả 10 người đều bị “Thánh” phán là có “vong” theo, bất kể bị ốm đau, bị chồng bỏ hay làm ăn không phất. Đang xem cho người này nhưng hễ ai chen vào hỏi, “Thánh” cũng sẵn sàng trả lời. Và cái cách “Thánh” chữa bệnh cũng hết sức độc đáo: Khi con bệnh lấy bất kỳ một phần đồ lễ trên bàn thờ và một túi gạo để trước mặt, “Thánh” trợn mắt phùng mang, chu miệng thổi phù phù vào món đồ đó. Thậm chí, có lúc đích thân “Thánh” đi chọn “thuốc” cho bệnh nhân, thường là những thứ ít giá trị nhất trong món đồ lễ rồi thổi “phép”.
Bệnh nhân đau chỗ nào, "thánh" sẽ dẫm vào chỗ đấy để chữa
Tôi suýt phì cười khi cô bệnh nhân hơn 20 tuổi muốn đổi quả xoài thay cho quả quýt bé tẹo “Thánh” cho, ngay lập tức “Thánh” trừng mắt: “Quýt là được rồi, ăn xoài làm chi cho nóng”. Bệnh nhân nào nặng, “Thánh” sẽ yêu cầu nằm xuống sân, đau chỗ nào “Thánh” dẫm lên chỗ đó và luôn miệng hỏi: “Hết đau chưa” mặc cho bệnh nhân nhăn nhó vì sức nặng của một thân hình gần 70kg đè lên. Sau đó các bệnh nhân nặng sẽ được “Thánh” ban phép cho một túi thuốc mà theo lời “Thánh” khoe là có công dụng vô biên, chữa được bách bệnh. Thang thuốc chỉ có một nhúm lá chìa vôi phơi khô, vài chân hương và mấy cánh hoa cúc được rút từ bàn thờ.
Không chỉ chữa được bách bệnh, “Thánh” còn cao phép đến nỗi thổi phù phù vào lon bia cho chồng chị nọ uống để… “ngậm bớt mồm lại khỏi nói nhiều”. Choáng hơn nữa, “Thánh” còn cho biết mình có thể chữa bệnh qua… điện thoại. Ngay lập tức, điện thoại “Thánh” đổ chuông, phía đầu kia đệ tử của “Thánh” đang khóc lóc vì bệnh tình viêm phổi của đứa con gái 7 tuổi ngày càng nặng. “Có quả cam, quả quýt mô đó không? Đập vào điện thoại “Thánh” làm phép rồi cho con bé uống”. Đang sốt sắng như vậy nhưng “Thánh” tắt máy ngay bảo mệt rồi, phải vào nghỉ, nói: “Con bé này chắc không qua khỏi. Nhưng mà không lo, ông (“Thánh” tự xưng mình bằng “ông” và gọi những người khác bằng con - PV) cho sống thì được sống, mà không cho sống thì chết thôi”.
Vô phúc cho con nhang nào “lỡ miệng” bảo đi cúng bái nơi khác nhưng chưa được việc, “Thánh” sẽ đập bàn đập ghế chửi là “đồ ngu” và đòi “tát rụng răng” ông thầy bói, thầy cúng đó. “Thánh” luôn mồm khẳng định: “Ông được Ngài nhập làm phúc cứu người. Tuyệt đối không bói toán, mê tín dị đoan”. Ấy vậy nhưng, tất cả những ai đến cửa đều được “Thánh” “hù” có người âm theo, cần phải giải hạn và gợi ý đến bà Lộc (giờ không còn là vợ của “Thánh” nữa) sắm lễ cho. Liếc qua tờ giấy kín mít chữ bà Lộc kê cho những người đến cầu cạnh sắm sửa để chờ thánh giải hạn, nhẹ thì 500.000, nặng thì vài ba triệu đồng.
Mặc dù luôn mồm kêu mệt nhưng khi hết người, “Thánh” liền hất hàm về phía chúng tôi hỏi: “Mấy đứa kia, đến làm chi đó”. Giả bộ khúm núm, chúng tôi bảo đến nhờ “Thánh” chữa bệnh. Từ bệnh xơ gan, viêm cầu thận cho đến đau đầu, “Thánh” đều có một câu trả lời duy nhất là do bị “vong” nhập. Vì chưa có lễ nên “Thánh” hẹn hôm sau mới chữa bệnh rồi vén áo lên, vỗ vỗ vào bụng đi thẳng vào trong nhà, không quên khoe mình được “nhiều bà muốn theo”.
Chân dung của “Thánh”
Luôn miệng tự nhận mình được Đức Ngài ứng để cứu nhận độ thế nhưng ít ai biết được chính người thân của Nguyễn Văn Phi lại dị ứng với chiêu trò mua thần bán thánh lòe thiên hạ của ông này. Nguyễn Văn Phi sinh năm 1960, sau thời gian đi bộ đội thì trở về làm ruộng, lấy vợ, sinh con. Một thời gian sau đó, Nguyễn Văn Phi làm bảo vệ cho một trường học ở địa phương, cuộc sống có phần chật vật.
Số "con nhang" đến nhờ cửa "thánh" cỡ 50-60 người một ngày. Vào ngày rằm, mồng một hàng tháng còn ngồi chật cả sân
Đùng một cái, năm 2007, Phi trở nên lầm lì, ít nói, uống rượu như uống nước lã và đặc biệt không chịu tắm rửa gì cả. Y tự nhận mình là Đức Thánh Hai, được bề trên ban phép để cứu người. Bằng chứng để Phi chứng minh mình là Thánh chỉ là… lấy một miếng củ ráy chà vào lưỡi, bởi vì là người của Thánh nên không bị ngứa! Rồi Phi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộc lập am thờ, tổ chức cúng bái, chữa bệnh.
Thời gian đầu, người dân xã Hưng Phúc kéo đến nhờ “Thánh” xem bói, chữa bệnh rất đông nhưng mấy người bị đau bụng suýt chết vì uống thuốc “Thánh” nên từ đó trò này không còn thiêng nữa. Chính ông Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc Nguyễn Quang Tiến cũng không nhịn được cười khi kể cho chúng tôi câu chuyện về ông “Thánh” này. Hồi đó sau khi khoe mình được Thánh nhập, Phi lớn tiếng huênh hoang có tẩm dầu lên tay mình mà đốt thì cũng không bị cháy. Mấy cậu thanh niên trong làng nghe thấy thế liền mang xăng dầu đến nhà Thánh “nhờ chỉ bảo”. Thấy chai dầu, Thánh tái mặt lắp bắp: “Bữa ni Thánh không nhập” rồi tìm đường chạy.
Trong khi “bụt chùa nhà không thiêng” thì dân tứ xứ lại đổ về nhà “Thánh” để nhờ cậy khá đông, từ Yên Thành, Thanh Chương, Tp Vinh cho đến Hà Tĩnh. Chẳng mấy chốc nhà “Thánh” phất lên nhanh chóng. Chỉ sau hơn 2 năm xưng Thánh, Nguyễn Văn Phi đã xây được căn nhà 2 tầng to nhất xóm, trong nhà đầy đủ tiện nghi và xây cả từ đường, am thờ phục vụ cho việc cúng bái. Không chỉ tự nhận có khả năng chữa bệnh cứu người, trừ vong mà ông này còn tự nhận có thể tìm được mộ liệt sĩ, mộ thất lạc. Nhưng ít ai biết rằng, chính mộ ông bà nội của “Thánh” cũng đang bị thất lạc, cả nhà đi tìm mấy chục năm nay chưa thấy. Ngán ngẩm với “Thánh”, từ anh em đến hàng xóm đều ngại quan hệ với Nguyễn Văn Phi.
Hỏi về hướng xử lý vị “Thánh” này, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Tiến lắc đầu ngán ngẩm: “Chúng tôi cũng đau đầu lắm rồi nhưng không biết xử lý như thế nào cả. Mời ông ấy lên làm việc thì ông ấy khẳng định mình không tuyên truyền mê tín dị đoan, không gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự. Mà rình bắt quả tang thì chúng tôi không làm được. Mấy lần Công an huyện và cán bộ phòng văn hóa về làm việc, ông ấy còn lớn tiếng nhờ chính quyền “bảo vệ” để không bị kẻ xấu quấy phá. Xã cũng đã làm việc trực tiếp với ông Phi không dưới chục lần, 2 lần mời lên Ủy ban làm việc nhưng không ăn thua. Xã thì không đủ thẩm quyền để xử phạt, nhờ đến huyện cũng chưa có kết quả gì cả”.
Phải chăng vì sự thiếu quyết liệt của chính quyền các cấp mà cơ sở mê tín dị đoan, chữa bệnh trái phép này tồn tại 6 năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý?
Hoàng Lam