>> Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga
1. Phát triển năng lượng quy mô toàn cầu: Việc đa dạng hóa ngành xuất khẩu năng lượng của Nga là nhiệm vụ ưu tiên của ông Putin trên cương vị Thủ tướng nhằm làm giảm bớt mức độ phụ thuộc của kinh tế Nga đối với các hoạt động xuất khẩu nguyên- nhiên liệu. Vì vậy, trong 4 năm điều hành chính phủ, ông Putin đã rất chú trọng lĩnh vực xuất khẩu khí đốt và cũng đạt được những tiến bộ đáng kể, nhất là trong dự án xây dựng “Dòng chảy phương Nam” dọc theo đáy Biển Baltic sang Đức.
Giới chuyên gia đánh giá, với viện đưa vào thực hiện dự án này, ông Putin đã "khai thông cửa sổ năng lượng sang châu Âu", bất chấp những lo ngại và phản đối của một số nước trong khu vực. Chuyến hàng thương mại đầu tiên qua đường ống này được thực hiện tháng 11/2011 và dự kiến tới năm 2015, “Dòng chảy phương Nam” sẽ hoạt động rất hiệu quả.
2. Kiên cường chống khủng hoảng: Ngăn ngừa tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới là một trong những thách thức chủ yếu nhất đối với ông Putin trên cương vị Thủ tướng.
Để chống lại những ảnh hưởng không mong muốn, ông Putin đã bơm hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ rúp vào nền kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các ngân hàng. Hành động mạnh bạo và quyết đoán này của ông không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của các ngành công nghiệp, mà còn giúp kiềm chế lạm phát và thực thi đầy đủ các cam kết xã hội của Nhà nước đối với người dân.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2011 đạt 4,3%, cao hơn so với thời kỳ tiền khủng hoảng, và có thể sẽ duy trì ở mức 3,5% trong năm nay.
3. Liên kết không gian hậu Xô-viết: Ý tưởng liên kết kinh tế chặt chẽ trong không gian hậu Xô-viết là một trong những ưu tiên của ông Putin ngay từ nhiệm kỳ Tổng thống 2000-2008.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2011, Liên minh Hải quan 3 nước (Nga, Belarus và Kazakhstan) mới bắt đầu đi vào hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc hải quan chung. Từ năm 2012, Không gian Kinh tế Thống nhất (EEP) giữa 3 nước cũng bắt đầu hoạt động theo hướng đảm bảo tự do lưu chuyển vốn, hàng hóa và dịch vụ.
Phát biểu về sự kiện này, ông Putin nhiều lần tuyên bố đây là “sự kiện địa chính trị lớn nhất trong không gian hậu Xô-viết sau khi Liên Xô sụp đổ”.
Theo kế hoạch, Liên minh Hải quan và EEP sẽ là cơ sở để thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu vào năm 2015.
4. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): Năm 2011, Nga đã chính thức đặt chân vào ngôi nhà chung WTO sau hành trình thương lượng đầy khó khăn kéo dài hơn 10 năm. Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc Nga đã chính thức liên kết nền kinh tế thế giới.
Theo kế hoạch, đến mùa Hè này, Nga sẽ trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sau khi Quốc hội Nga phê chuẩn những thỏa thuận cuối cùng.
5. Phát triển cơ sở hạ tầng: Một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhất trong những năm ông Putin làm Thủ tướng là phát triển khu vực Viễn Đông, đặc biệt là khu vực Primorye và Vladivostok - nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 9/2012.
Tổng mức đầu tư để chuẩn bị cho diễn đàn APEC là khoảng 600 tỷ rúp. Phần lớn số tiền được đầu tư vào việc xây dựng những cây cầu đặc biệt qua vịnh “Sừng Vàng” tới tới "hòn đảo Nga", nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh. Ngoài ra, trên đảo còn xây dựng các tòa nhà thuộc Trường Đại học Liên bang Viễn Đông, nơi sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học của toàn bộ khu vực trong tương lai.
6. Ban hành Đạo luật về Thương mại: Việc thông qua Đạo luật về thương mại là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất đối với chính phủ của ông Putin.
Việc thông qua văn kiện này được tiến hành vào tháng 12/2009 sau nhiều năm tranh cãi giữa các nhà sản xuất, giới kinh doanh và nhiều bộ ngành khác nhau.
Theo đó, đạo luật quy định cần phải tăng cường vai trò quản lý của nhà nước và đẩy các biện pháp chống độc quyền. Trong một số trường hợp, chính phủ hoặc chính quyền bang có quyền hạn chế giá sản phẩm trong thời gian lên đến 90 ngày.
7. Tư hữu hóa các doanh nghiệp lớn: Bốn năm qua được đánh dấu bằng Chương trình tư hữu hóa giai đoạn 2011-2013 đã được chính phủ phê duyệt. Đây được coi như sự khởi đầu cho giai đoạn tư hữu hóa sở hữu nhà nước lần thứ hai được tiến hành trên quy mô lớn, kể từ sau giai đoạn đầu được thực hiện từ những năm 1990.
Cụ thể, chính phủ Nga đã đột ngột cắt giảm danh sách các doanh nghiệp chiến lược, tiến hành bán hàng chục gói cổ phần lớn của các ngân hàng và các công ty. Qua đó, một mặt vừa cởi trói cho các doanh nghiệp nhà nước, vừa tạo động lực để các doanh nghiệp chủ động phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
8. Cải cách chế độ hưu trí: Đây là một trong những cải cách xã hội quan trọng nhất ở nước Nga trong 4 năm qua và cũng là cải cách đầu tiên theo hướng này ở nước Nga thời hiện đại.
Theo đó, chính phủ Nga đã tiến hành đánh giá lại một cách đầy đủ mọi quyền lợi dành cho những công dân đã có công trong thời kỳ Xô-viết. Dựa trên cơ sở đánh giá lại này, chính phủ trả ngay 10% tổng số tiền và trả thêm 1% cho mỗi năm làm việc tính đến năm 1991.
9. Chuẩn hóa kỳ thi quốc gia thống nhất: Hỗ trợ phát triển giáo dục và y tế được coi là hướng đi chính trong hoạt động của chính phủ trong 4 năm qua.
Vì vậy, trong 4 năm làm Thủ tướng, ông Putin đã cố gắng hiện thực hóa một số sáng kiến do chính ông đưa ra từ khi còn là chủ nhân của điện Kremlin từ năm 2000-2008.
Đáng chú ý, ông đã cho triển khai kỳ thi quốc gia thống nhất (CSE) trên phạm vi toàn quốc và đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ. Từ 1/1/2009, CSE đã trở thành tiêu chí xác nhận kết quả học tập chính thức đối với tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Nga.
10. Dành quyền đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới: Đối với Nga, cuối năm 2010 được đánh dấu bằng chiến thắng lớn và tương đối bất ngờ trong cuộc đấu tranh giành quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2018.
Nga đã vượt qua không chỉ nước Anh, mà còn cả những nhóm nước nộp đơn xin đồng đăng cai giải này như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan, để giành quyền tổ chức giải đấu thể thao hấp dẫn nhất hành tinh. Ông Putin cam kết chính phủ Nga sẽ chuẩn bị tốt nhất cho giải này, đồng thời tuyên bố những người tham dự cũng như khách mời sẽ được tới thăm nước Nga mà không cần thị thực.